Doanh nghiệp thủy sản vừa chống dịch, vừa sản xuất

Chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp. Ảnh: NGỌC HÂN

Với đặc thù một ngành sản xuất hàng thực phẩm, không thể lưu kho quá lâu, các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã phải cơ cấu lại khâu sản xuất, tiết giảm chi phí, tìm kiếm đơn hàng để duy trì việc làm đảm bảo đời sống cho người lao động (NLĐ).

Cơ cấu lại khâu sản xuất

Thay vì làm việc vào ban ngày, hơn 1 tháng nay, NLĐ của Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng (KCN An Phú) chuyển sang làm việc hai ca. Việc cơ cấu lại khâu sản xuất theo hình thức này giúp doanh nghiệp tiết giảm một khoản chi phí đáng kể về tiền điện hàng tháng. Bởi hiện nay, ngoài chạy hệ thống dây chuyền sản xuất, các doanh nghiệp thủy sản còn phải chi tiền điện để chạy tủ cấp đông trữ hàng.

Bà Lê Thị Hồng Linh, Quản đốc phân xưởng Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng cho biết: “Công ty luôn ở thế chủ động với quyết tâm cao, không lơ là từ việc nhỏ nhất để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Hiện doanh nghiệp có hơn 200 công nhân. Bình thường thì NLĐ tập trung lại để làm việc, nhưng do tình hình dịch bệnh nên được bố trí giãn cách, chia thành nhiều nhóm và làm việc xoay ca từ khâu tiếp nhận, bóc vỏ tôm đến khâu băng chuyền đóng thành phẩm. Hiện các phân xưởng áp dụng triệt để biện pháp bàn giao ca, nhận lệnh, ký hồ sơ, sổ sách bằng phương pháp trực tuyến để tránh việc tập trung đông người; nhân viên, NLĐ tuyệt đối không tự ý đổi ca để bảo đảm việc kiểm soát”.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Chính, Quản đốc phân xưởng Công ty TNHH Hùng Ban (KCN Hòa Hiệp), đơn vị thuộc ngành chế biến thực phẩm nên không phải khi có dịch COVID-19, công nhân của công ty mới sử dụng khẩu trang và bao tay mà đây là yêu cầu bắt buộc khi làm việc ở các công đoạn. Công nhân cũng thực hiện sát khuẩn tay thường xuyên, nhất là ở khu vực chế biến đồ hộp, cứ 30 phút phải rửa tay sát khuẩn 1 lần. Ngoài ra, công ty còn chia nhiều ca ăn trưa, vị trí ngồi ăn cơm đảm bảo giãn cách, mỗi công nhân có khay ăn riêng. Người vận chuyển hàng hóa bắt buộc phải khai báo y tế và mang khẩu trang. “Việc tổ chức lại khâu sản xuất theo nguyên tắc phòng chống dịch vừa đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, tránh lây lan, vừa giúp doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc an toàn”, ông Chính nói.

Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng

Cùng với việc bố trí lại lịch sản xuất, một số doanh nghiệp nỗ lực tìm hiểu nhu cầu thị trường, đưa vào sản xuất những mặt hàng mới, thay đổi về mẫu mã, hình thức thành phẩm. Đồng thời tính toán lại giá thành sản phẩm để nâng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm tại các quốc gia có dịch giảm về số lượng nhưng lại yêu cầu cao hơn về chất lượng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Quản lý Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc (KCN Hòa Hiệp) cho biết: “Công ty đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới để đảm bảo kinh doanh trong đại dịch COVID-19. Nếu không có đơn hàng thì công ty sẽ không sản xuất ra thành phẩm mà thay vào đó là sản xuất bán thành phẩm và tiếp tục lưu kho, khi khách hàng cần thì xuất ngay để bảo đảm việc làm cho NLĐ”.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh, công nhân Công ty Thủy sản Trang Thủy (KCN An Phú) cho biết: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, có được việc làm ổn định, thu nhập khá là mong ước của nhiều NLĐ. Ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh này, chúng tôi đã chủ động đeo khẩu trang khi làm việc và tiếp xúc với người lạ mà không cần đến sự nhắc nhở của cán bộ quản lý”.

Hiện nhiều doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh đã triển khai giải pháp vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì sản xuất đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, cho biết: “Tỉ lệ NLĐ thất nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục tăng khi dịch bệnh còn kéo dài. Bằng nhiều cách làm khác nhau, các doanh nghiệp thủy sản tại Phú Yên đã giúp NLĐ gắn bó hơn với doanh nghiệp và có thể tiếp tục đứng vững trước cuộc chiến chống COVID-19”.

Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên: Ban quản lý Khu kinh tế đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Đây là thời điểm để doanh nghiệp tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong bối cảnh này, mỗi một doanh nghiệp phải năng động, sáng tạo trong chuyển đổi thị trường, chu trình sản xuất, cách thức sản xuất… Đồng thời đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất, đào tạo nhân lực trình độ cao mới phát triển một cách bền vững.

Nguồn tin: Báo Phú Yên