Diễn đàn định hướng phát triển mô hình nuôi tôm – lúa

Ngày 15-16/05 vừa qua, TTKN Quốc Gia phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức diễn đàn giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm lúa vùng ĐBSCL tại huyện An Biên tỉnh Kiên Giang.

Diễn đàn với sự tham dự của nhiều đơn vị khuyến nông và nông dân tiêu biểu của các địa phương khu vực như Bến Tre, Cà Mau, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh…

Diễn đàn bắt đầu bằng một buổi đi tham quan các mô hình nuôi tôm lúa của tỉnh Kiên Giang và một ngày tại hội trường chính ở huyện An Biên. Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT đề cập đến tầm quan trọng và định hướng của mô hình tôm lúa ĐBSCL, tôm – lúa là mô hình sản xuất kết hợp giữa nuôi tôm và trồng lúa bao gồm cả luân canh và xen canh.

Diễn đàn tôm lúa với khoảng 200 khách mời tham dự. Ảnh: Tepbac

Qua quá trình phát triển thì hiện nay ở ĐBSCL có nhiều mô hình nuôi tôm lúa khác nhau như: Nuôi tôm lúa quảng canh, nuôi tôm lúa quảng canh cải tiến, nuôi tôm luân canh lúa,… Tùy thuộc vào mức độ ưu tiên và mật độ nuôi tôm để triển khai các mô hình kỹ thuật phù hợp.

Các loài tôm trong những mô hình này thường là tôm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh. Trong đó tôm sú là loài tôm bản địa có khả năng thích ứng cao đã được áp dụng hiệu quả nhiều năm.

Mô hình tôm lúa có nhiều ưu điểm nổi bật, được xem là mô hình sản xuất bền vững tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và người tiêu dùng. Việc luân canh giúp rủi ro dịch bệnh thấp, điều kiện môi trường được tái tạo, ít sử dụng thuốc và hạn chế sử dụng hóa chất so với mô hình độc canh truyền thống.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản cả nước giai đoạn 2000-2006 diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản là 310 ngàn ha (82,4% tổng diện tích chuyển đổi của cả nước).

Đến năm 2021 diện tích nuôi tôm lúa đạt 207 ngàn ha (chiếm 29,6% tổng diện tích nuôi tôm ĐBSCL) sản lượng tôm đạt 128 ngàn tấn.

Điểm quan trọng trong mô hình nuôi tôm – lúa để đạt năng suất là chọn giống lúa chịu mặn. Viện lúa ĐBSCL giới thiệu nhiều loại giống lúa chịu mặn phù hợp với mô hình với khả năng chịu mặn cao.

Cơ quan chức năng trao đổi thao luận kiến nghị giải pháp. Ảnh: Tepbac

Thông qua diễn đàn, TTKN Quốc gia đã đề xuất ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ những mô hình này trong thời gian tới, như: Các giải pháp về xây dựng mô hình, Giải pháp truyền thông, Giải pháp truyền thông, Giải pháp đào tạo, Giải pháp tư vấn hợp tác.

Đây được xem là mô hình canh tác “thông minh” theo hướng hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu.

Tepbac