Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững

Tôm nước lợ là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Kiên Giang. Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tôm nuôi khá thuận lợi, song giá tôm liên tiếp sụt giảm và duy trì ở mức thấp.
Tính đến hết tháng 8-2023, toàn tỉnh đã thả giống gần 135.000ha, đạt trên 98% kế hoạch. Sản lượng tôm thu hoạch trên 100.000 tấn, đạt trên 82% kế hoạch năm, tăng gần 22% so cùng kỳ năm 2022.

Giá tôm bấp bênh

Đến nay, nông dân ở các vùng sản xuất theo mô hình tôm – lúa ở Kiên Giang như Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên, U Minh Thượng… khép lại vụ tôm nuôi chính vụ để chuẩn bị xuống giống vụ lúa trên nền đất nuôi tôm. Theo chia sẻ của một số nông dân, giá tôm năm nay duy trì ở mức thấp, thu nhập của nông dân giảm.

Ông Hoàng Văn Tạo, ngụ xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận có hơn 20 năm gắn bó với mô hình lúa – tôm cho biết,. Ông Tạo có 3ha đất sản xuất, ngoài tôm sú, ông còn nuôi thêm tôm càng xanh. Hàng năm, năng suất tôm nuôi đạt khá, tôm sú trên 300kg/ha, tôm càng xanh gần 350kg/ha.

“Tuy nhiên, có thời điểm thương lái mua tôm sú 30 con/kg chỉ 130.000 đồng; tôm càng xanh 55.000 đồng/kg. Tôi không rõ thị trường xuất khẩu tôm như thế nào nhưng hơn 1 năm nay giá tôm thấp”, ông Tạo nói.

Ông Lê Văn Hải, ngụ xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) kiểm tra trọng lượng tôm nuôi trước khi thu hoạch.

Theo ông Lê Văn Hải, ngụ xã Đông Thạnh, huyện An Minh vụ tôm vừa qua gia đình ông thu hoạch năng suất khá cao, nhưng giá khá thấp. Gia đình ông Hải có 3ha sản xuất theo mô hình lúa – tôm kết hợp thả nuôi cua biển. Với lúa đầu ra khá ổn định về giá, nhưng tôm, cua khá bấp bênh.

“Gia đình tôi nuôi tôm sạch, chỉ sử dụng men vi sinh. Đến mùa thu hoạch tôm, gia đình tôi phải đợi thương lái thu mua và giá bán do thương lái quyết định”, ông Hải nói.

Theo ông Nguyễn Việt Ảnh – Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Hòa, huyện An Minh, hiện hợp tác xã có 39 thành viên, với tổng diện tích sản xuất tôm – lúa hơn 80ha. Mô hình sản xuất này nhiều năm qua mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, tôm, cua đến nay chưa được liên kết bao tiêu đầu ra nên giá cả không ổn định.

“Thành viên hợp tác xã đều áp dụng quy trình nuôi tôm sạch, sử dụng men vi sinh trong cải tạo vuông tôm và xử lý nguồn nước… đảm bảo điều kiện chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp. Thế nhưng tôm, cua vẫn chỉ bán cho thương lái địa phương chứ chưa có liên kết bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp”, ông Ảnh thông tin.

Gỡ khó bằng cách nào?

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, phần lớn diện tích thả nuôi tôm đều đạt năng suất theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn, giá cước vận chuyển và giá vật tư đầu vào tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất, thu nhập của nông dân. Công tác quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào còn nhiều hạn chế. Việc hình thành chuỗi liên kết trong nuôi tôm nước lợ và có chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… còn chậm.

Ông Ngô Trấn Khái – Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã lúa tôm An Biên (Kiên Giang) dỡ lú bắt tôm.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, để giúp nghề nuôi tôm nước lợ phát triển bền vững, Kiên Giang tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm. Doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất.

Cùng với đó, tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm – lúa trọng điểm; phát triển mạnh sản xuất tôm – lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi tôm sinh thái… theo yêu cầu thị trường xuất khẩu… Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông, điện phục vụ nuôi trồng thủy sản trọng điểm.

Ông Võ Văn Đây, ngụ ấp Song Chinh, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) theo dõi sự phát triển tôm nuôi.

Hiện nay trong tỉnh, số cơ sở thuộc diện đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ của tỉnh 34.658 cơ sở. Đến cuối tháng 8-2023, tỉnh cấp 27.562 giấy xác nhận mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, đạt 79,55% kế hoạch.

Đồng chí Quảng Trọng Thao cho biết việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu, tăng giá trị kinh tế ngành hàng tôm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm. Qua việc cấp mã số nhận diện giúp tỉnh đẩy nhanh số hóa vùng nuôi, nắm thông tin chính xác về diện tích, sản lượng dự kiến hàng năm để có giải pháp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp.

Văn Sĩ

Nguồn: Baokiengiang.vn

Tin mới nhất

T4,04/12/2024