Con giống và nguồn nước quyết định đến thành công trong nuôi tôm nước lợ

Trong nuôi tôm nước lợ, 2 yếu tố quan trọng có tính quyết định đến sự thành công là chất lượng con giống và nguồn nước. Do đó, để phát triển và tăng tính cạnh tranh cho ngành tôm, tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 13/4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành làm sao để con giống được kiểm soát an toàn hơn, nguồn nước vùng nuôi được sạch hơn.

Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP, con giống đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay của ngành tôm. Thời gian qua, tôm giống kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát, kiểm dịch tốt khi xuất và vận chuyển; việc quản lý sản xuất tôm giống còn lỏng lẻo, không có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng… Cùng với đó là việc không đủ lượng tôm giống chất lượng để nuôi, dẫn đến hệ lụy là khi thả nuôi thì tôm bị mắc nhiều bệnh, môi trường nước ô nhiễm. Vì vậy, nếu chúng ta quản lý tốt chất lượng con giống và đảm bảo nguồn nước tại các vùng nuôi sẽ tạo được nền tảng vững chắc để nâng cao tỷ lệ nuôi thành công, giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, đồng nghĩa ngành tôm phát triển ổn định và bền vững hơn.

Đồng quan điểm với ông Hòe, Tiến sĩ Trần Hữu Lộc – Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong khi nguồn giống kém chất lượng vẫn có điều kiện lưu hành đến tận vùng nuôi, hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước cho vùng nuôi hầu hết chưa đảm bảo thì đa số người nuôi tôm thẻ đều chọn nuôi với mật độ cao, kể cả những mô hình nuôi bằng ao đất. Qua thời gian, chất thải tích tụ dần, dịch bệnh phát sinh, người nuôi phải tốn nhiều chi phí hơn cho xử lý nước, phòng trị bệnh… nhưng tỷ lệ tôm nuôi thành công vẫn không cao.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, do con giống, môi trường chưa đảm bảo nên mầm bệnh cũng dễ phát sinh và gây thiệt hại, làm cho tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam thấp, dẫn đến giá thành cao, làm giảm sức cạnh tranh của con tôm trên thị trường thế giới.

Liên quan đến vấn đề nguồn nước, ông Ngô Minh Hiển – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn cho biết, tình trạng nước mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng xấu đi, không đủ nguồn nước nuôi an toàn cung cấp cho các vùng nuôi. Thậm chí, hiện nhiều vùng vẫn đang sử dụng kênh cấp và thoát nước chung rất dễ làm lây lan dịch bệnh. Ông Hiển so sánh: “Thời gian qua, cây lúa và con tôm đã tạo ra kim ngạch khá tương đồng, nhưng chỉ có cây lúa được ưu tiên đầu tư phát triển còn con tôm gần như phải tự xoay xở”.

Ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) thừa nhận, một trong những khó khăn cho việc phát triển nghề nuôi tôm đó chính là điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là vấn đề thủy lợi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tôm nuôi thành công thấp.


Đầu tư hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước riêng biệt cho vùng nuôi để đảm bảo đủ nguồn nước sạch phục vụ nuôi tôm. Ảnh: TÍCH CHU

Để nâng cao tỷ lệ thành công và năng lực cạnh tranh cho ngành tôm, theo Tiến sĩ Lộc, cần thay đổi tư duy theo hướng quản lý rủi ro trong toàn bộ chuỗi sản xuất từ tôm bố mẹ, tôm giống, ương vèo và nuôi thương phẩm để kiểm soát được rủi ro đến mức độ chấp nhận được. Ông Quang cũng đề xuất Nhà nước cần quy hoạch những vùng nuôi tôm tập trung lớn có kênh cấp nước, thoát nước riêng và có cơ sở hạ tầng giao thông – điện – nước hoàn chỉnh; gia hóa tôm bố mẹ theo hướng chống chịu tốt với dịch bệnh và thích ứng môi trường tại Việt Nam. Kiểm soát tốt nguồn thức ăn cho tôm bố mẹ thông qua nuôi; ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ông Quang chia sẻ: “Hiện nay, trình độ chế biến của các nhà máy tại Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nếu chúng ta có được nguồn nguyên liệu chất lượng, giá thành thấp thì năng lực cạnh tranh của ngành hàng tôm sẽ tốt hơn”.

Với vai trò là đại diện của hiệp hội ngành hàng, lãnh đạo VASEP kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành cần xem xét thiết lập chuẩn mực các cơ sở cung ứng tôm giống, như: quy mô sản xuất, đội ngũ quản trị và kỹ thuật nhằm giảm thiểu các cơ sở nhỏ lẻ, chỉ biết coi trọng lợi nhuận mà không quan tâm tới quyền lợi chung của toàn ngành. Trong đó, trước mắt là tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc sản xuất, lưu thông, tiêu thụ tôm giống nhằm hạn chế tôm giống không đạt tiêu chuẩn được đưa đi tiêu thụ. Thứ hai là cần đầu tư hạ tầng đúng mức vào các vùng nuôi trọng điểm và nếu khó khăn về kinh phí, đề nghị nên ưu tiên hàng đầu cho thủy lợi nuôi tôm ở các vùng nuôi trọng điểm tại các địa phương.

Ngoài các kiến nghị trên, theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Sao Ta, trong xu thế phát triển bền vững và phúc lợi động vật, tới đây sẽ hạn chế nuôi thâm canh mật độ thả nuôi cực cao, nên Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần có chiến lược phân bổ bổ sung đất cho nuôi tôm nếu muốn duy trì và tăng trưởng sản lượng. Ngoài ra, cần quan tâm giải pháp cân bằng phát thải vì hiện nay, các cơ sở sản xuất có lượng phát thải từ 3.000 tấn CO2 hàng năm phải có lộ trình kiểm soát, hạn chế và cân bằng. Do đó, cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để các doanh nghiệp nhận thức, thực thi kịp thời, đúng lộ trình quốc gia.

Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm, theo ông Lực cần tăng cơ sở nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC để đáp ứng yêu cầu từ các thị trường lớn. Ông Lực dẫn chứng: “Hiện nay, diện tích nuôi đạt chuẩn ASC còn quá thấp, chưa tới 1% diện tích nuôi, trong khi của Ecuador là 20%, nên tôm họ chiếm lĩnh thị trường EU – nơi yêu cầu chuẩn này rất phổ biến. Nguyên nhân do thực trạng ngành nuôi tôm chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, khó đáp ứng yêu cầu”. Giải pháp cho vấn đề này theo ông Lực là tạo sự khuyến khích nhà đầu tư hình thành trang trại nuôi càng lớn càng tốt. Càng lớn thì càng thuận lợi đầu tư khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,03/05/2024