Cơ giới hóa: Nâng cao tính cạnh tranh

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Cơ giới hóa là việc sử dụng máy, thiết bị, công nghệ thay thế lao động thủ công, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Theo đó, nhờ việc áp dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, đã góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo ra sự phát triển nhảy vọt về năng suất, sản lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

 Hệ thống quạt tạo oxy cho tôm sinh trưởng tốt

 

Đó là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản” do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 23/8 tại Sóc Trăng.

Hiện nay hoạt động sản xuất tôm đã ứng dụng cơ giới hóa hầu như ở tất cả các công đoạn như dùng xe cuốc, xe ủi đào ao mới, dùng máy cào bùn, máy bơm nước để loại bỏ bùn đáy ao và chất hữu cơ dư thừa của vụ nuôi trước. Sử dụng thiết bị sàn cho ăn tự động nhằm rải đều thức ăn và giảm công lao động. Đồng thời, giảm thất thoát thức ăn khi ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi. Kiểm soát các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, lượng oxy hòa tan bằng thiết bị giám sát chất lượng môi trường nước, hệ thống quan trắc tự động…

Đặc biệt, trong mô hình ương nuôi tôm nhiều giai đoạn sử dụng hệ thống máy sang tôm tự động trong các trang trại lớn một cách chuyên nghiệp, giảm stress cho tôm post. Một số doanh nghiệp còn sử dụng máy đếm để kiểm soát tôm xuất bán được chính xác về số lượng và giúp tôm không bị stress. Đối với nguồn điện, hiện nay, một số trang trại nuôi tôm lớn đã triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lương mặt trời, qua đó cải thiện tình trạng thiếu điện sản xuất.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, cơ giới hóa trong nuôi trồng và chế biến thủy sản đã có sự chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo ra sự phát triển nhảy vọt về năng suất, sản lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, việc ứng dụng chỉ giới hạn chủ yếu trong phạm vi nuôi tôm nước lợ, cá tra và một số loài thủy sản. Mức độ nội địa máy móc, trang thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn còn thấp, chủ yếu phải nhập khẩu.

Ông Cẩn cho biết thêm, để tiếp tục phát triển cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết gắn với cơ giới hóa; ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; phát triển nguồn nhân lực.

“Nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún là rất khó cho việc áp dụng này. Vừa rồi, các địa phương có gửi báo cáo, chỉ riêng tôm, chúng ta có khoảng 360.762 cơ sở nuôi, rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ, doanh nghiệp lớn chỉ tính trên đầu ngón tay. Thứ hai là hạ tầng, khi áp dụng cơ giới hóa thì cần phải đồng bộ, nhất là giao thông, điện, đáp ứng thiết bị. Thứ ba là nhân lực, khi cơ giới hóa thì cần yếu tố con người, có những kỹ thuật để chúng ta nắm, vận hành máy móc…”, ông Nhữ Văn Cẩn nêu rõ.

Không chỉ có nuôi trồng, cơ giới hóa còn được áp dụng phổ biến trong bảo quản và chế biến. Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có 22 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó 9 doanh nghiệp lớn nhất đều chuyên về chế biến, xuất khẩu tôm và đa số đều ứng dụng cơ giới hóa tương đối đồng bộ. Các hệ thống cơ giới hóa được doanh nghiệp áp dụng chủ yếu, như: hệ thống tự động đếm, phân loại trên băng chuyền; hệ thống băng tải; hệ thống mạ băng, làm lạnh nhanh giúp giảm được tỷ lệ mạ băng cũng như đảm bảo chất lượng của tôm nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao giá trị gia tăng.

Khánh Linh

Tin mới nhất

T7,20/04/2024