Chủ động phòng bệnh trên tôm

Những năm qua, diện tích và sản lượng tôm của tỉnh Long An liên tục tăng. Điều này đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Do đó, để việc sản xuất của nông dân tiếp tục đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm.

Chủ động phòng bệnh ngay từ đầu vụ

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp tỉnh, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh trên thủy sản rất cao. Nguyên nhân là do tác động bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhiều người nuôi thủy sản thực hiện chưa đúng các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh, chưa chủ động khai báo thông tin khi thủy sản bị nhiễm bệnh,…

Đến nay, tổng diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh trên 2.600ha, trong đó diện tích thả nuôi tôm 1.525ha, đạt 23,6% kế hoạch và bằng 107,8% so cùng kỳ; đã thu hoạch 1.017ha với tổng sản lượng khoảng 3.225 tấn, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha, đạt 20,3% kế hoạch và bằng 113,9% so cùng kỳ.

Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với tổng diện tích thả nuôi hơn 2.000ha/năm. Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện bắt đầu thả nuôi vụ mới. Ông Vũ Hồng Hải (ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây) chia sẻ: “Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ ngành chức năng, từ năm 2019, gia đình tôi chuyển sang mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Ưu thế của mô hình này là hạn chế được dịch bệnh trên tôm. Lớp bạt giúp ngăn ngừa tiếp xúc giữa môi trường nước của ao nuôi với lòng đất nên ao nuôi không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, hạn chế được ô nhiễm môi trường, thức ăn không bị thất thoát. Việc vệ sinh thuận tiện, giúp giảm thời gian và chi phí nuôi tôm”.

Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm để sớm phát hiện bệnh

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc – Ngô Bảo Quốc, những năm qua, người nuôi tôm trên địa bàn huyện giảm được thiệt hại, rủi ro rất nhiều. Trước mỗi vụ nuôi, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân về công tác xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi; hướng dẫn chuyển sang các mô hình như nuôi tôm trải bạt, nuôi quảng canh,…

“Thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn huyện bước vào vụ mới, diện tích thả con giống khoảng 300ha. Đầu vụ, ngành Nông nghiệp huyện cử cán bộ thường xuyên giám sát địa bàn, kịp thời hướng dẫn người nuôi tôm trong trường hợp phát hiện dịch bệnh. Những năm gần đây, nhờ hướng dẫn của Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, một số hộ nuôi trên địa bàn huyện tiếp nhận và chuyển đổi sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực” – ông Quốc cho biết.

Tại huyện Tân Trụ, hiện nông dân tích cực chăm sóc tôm. Anh Võ Thành Trung (xã Nhựt Ninh) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gần 1,2ha tôm thẻ chân trắng, hiện gần 1 tháng tuổi và phát triển tốt. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, gia đình tôi rắc vôi bột xung quanh ao, thường xuyên theo dõi nhiệt độ, đo độ pH trong ao nuôi để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, tôi cho tôm ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi để không dư thừa thức ăn sẽ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường ao nuôi”.

Thông tin từ Sở NN&PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh trên thủy sản ổn định, không có dịch bệnh nghiêm trọng xuất hiện. Tuy nhiên, đến nay, có 13ha tôm bị thiệt hại do sốc nhiệt.

Để sản xuất hiệu quả

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản; hướng dẫn người nuôi tuân thủ việc thả giống theo đúng lịch thời vụ được khuyến cáo, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động, xử lý nước và thủy sản mắc bệnh kịp thời, giảm thiểu sử dụng kháng sinh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 13ha tôm bị thiệt hại do sốc nhiệt

Bên cạnh đó, người nuôi tôm cũng cần thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm để phát hiện sớm dịch bệnh, có biện pháp xử lý hiệu quả nhằm ngăn chặn dịch bệnh nhanh nhất khi mới được phát hiện. Tuyệt đối không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu ra môi trường.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Những năm qua, Chi cục chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh ngay từ đầu vụ. Theo đó, thông qua các buổi tập huấn, các mô hình trình diễn, Chi cục phối hợp các địa phương hướng dẫn hộ nuôi xử lý vệ sinh môi trường, cải tạo nguồn nước, chọn con giống, quy trình thả giống và chăm sóc.

Trong quá trình nuôi, Chi cục cử cán bộ giám sát địa bàn trực tiếp đi kiểm tra, lấy mẫu giống tôm nuôi để sớm phát hiện dịch bệnh và xử lý; khuyến cáo người dân tích cực phối hợp lực lượng chức năng khi phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý, tránh lây lan. Cùng với đó, Chi cục phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai chuyển giao các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân”./.

Bùi Tùng

Nguồn tin: Báo Long An