Chiết xuất từ cây bọt biển: Kiểm soát vi khuẩn Vibrio trên tôm thẻ chân trắng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Các chủng Pseudovibrio denitrificans phân lập từ cây bọt biển Aplysina gerardogreeni được cho rằng có tác dụng kiểm soát Vibrio spp. trong nuôi tôm.

Thiết lập thử nghiệm

Sử dụng 5g bọt biển được ngâm và pha loãng trong 45mL nước biển tự nhiên vô trùng (NSW). Sau đó, các mẫu đồng nhất được pha loãng thành 10-5 ở nước biển vô trùng. 100μl dung dịch pha loãng 10-2 đến 10-5 được trải đều lên các đĩa petri chứa Marine Agar 2216 (MA) BD DifcoTM. Các đĩa được ủ ở 27o C trong hai ngày. Sau đó, các kiểu hình thái khác nhau đã được chọn và cấy trên các đĩa petri có chứa MA. Các chủng Pseudovibrio ban đầu được lựa chọn dựa trên các đặc điểm hình thái và sinh hóa.

Tiến hành phân loại của các chủng phân lập thể hiện hoạt tính sinh học được xác định dựa trên trình tự nucleotide của gen 16 rRNA. Với môi trường nuôi cấy Pseudovibrio thuần túy, các phần dịch chiết được thực hiện trong môi trường LuriaBertani với nước biển vô trùng và 20% glycerol và được bảo quản ở nhiệt độ -80o C cho các thử nghiệm tiếp theo.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt tính sinh học chống lại vi khuẩn  V. parahaemolyticus, V. campbellii, V. vulnificus  và V. harveyi   và chủng gây bệnh có độc lực cao V. parahaemolyticus BA94C2 dương tính với PirA/PirB, độc tố gây bệnh AHPND trong nuôi tôm.

Hoạt tính kháng khuẩn của các chủng Pseudovibrio có liên quan đến quá trình chuyển hóa axit sulfuric và axit tropodithietic (TDA), có thể tiêu diệt hoặc ức chế Vibrio spp. ở ấu trùng tôm. Ngoài ra, độ mặn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Pseudovibrio vì đây là loại vi khuẩn điển hình của môi trường biển và các chủng Pseudovibrio phân lập phát triển tối ưu trong khoảng từ 25-31oC.  Những điều kiện này giúp chúng có khả năng cạnh tranh với Vibrio spp.

Hai thử nghiệm cảm nhiễm đã được thực hiện bằng cách sử dụng hai chủng có độc lực cao là  V. campbellii  và  V. parahaemolyticus, cho thấy tác dụng của Pseudovibrio đối với sự gia tăng đáng kể tỷ lệ sống của tôm hậu ấu trùng trong cảm nhiễm vi khuẩn.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của việc áp dụng P. denitrificans giúp tăng sản lượng, tỷ lệ sống, trọng lượng và năng suất thu hoạch bình quân ở tôm nuôi thương phẩm.

Quan điểm

Hoạt tính sinh học của Pseudovibrio denitrificans qua các thí nghiệm in vitro đã khẳng định khả năng kiểm soát Vibrio, nâng cao tỷ lệ sống của tôm nhiễm bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá nồng độ thực tế trên quy mô thương mại.

Thu Hiền (Lược dịch)