Chi phí thức ăn – thách thức của mọi quốc gia nuôi tôm
Buộc phải giảm chi phí, bao gồm cả chi phí thức ăn, do tình trạng dư cung toàn cầu khiến giá bán tôm nguyên liệu giảm mạnh.

Đó là nhận định ông Olivier Decamp đã đưa ra tại hội nghị IFFO (The Marine Ingredients Organisation) gần đây diễn ra ở Cape Town, Nam Phi. Ông Decamp là giám đốc R&D và phát triển kinh doanh về sức khỏe của INVE Aquaculture Thái Lan – công ty con của công ty di truyền nuôi trồng thủy sản Benchmark Genetics.

Giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu toàn cầu đã giảm trong hai năm qua, phần lớn do suy thoái kinh tế lan rộng khiến nhu cầu thị trường giảm xuống dưới mức cung. Đồng thời, chi phí đầu vào cho nuôi tôm, đặc biệt là thức ăn, với giá nguyên liệu bột cá và dầu cá duy trì mức cao kỷ lục đã khiến nuôi trồng thủy sản vô cùng khó khăn và thua lỗ.

Ecuador hiện đang là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới và sản lượng của nước này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng. Xếp sau Ecuador về sản lượng là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Sản lượng tôm ở Mỹ La tinh dự kiến sẽ tăng hơn nữa vào năm 2023 và trong những năm tới. Trong khi đó Ấn Độ và Indonesia cũng duy trì vị thế những nước đóng góp đáng kể cho thị trường tôm toàn cầu, Decamp lưu ý, trích dẫn các dự báo và số liệu từ hội nghị Liên minh Thủy sản Toàn cầu gần đây.

Trong bài trình bày tại hội nghị IFFO, Decamp lưu ý rằng mối quan tâm chính của người nuôi tôm ở Chlaâu Mỹ La tinh và Châu Á là rất giống nhau.

Trước đây, dịch bệnh là mối quan tâm hàng đầu, kế đến là biến đổi khí hậu và biến động giá tại trang trại ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, chi phí tăng cao cho tất cả các yếu tố đầu vào gần đây đã trở thành mối quan ngại lớn nhất, gây áp lực cho các nhà sản xuất tôm trong việc đảm bảo duy trì lợi nhuận.

Ông nhấn mạnh rằng việc cung cấp sản phẩm hiệu quả về mặt chi phí đã trở thành một thách thức đáng kể đối với người nuôi tôm trên toàn thế giới.

Ngay cả ở châu Á, có nhiều loài tôm được nuôi rộng rãi, nhưng các cuộc khủng hoảng và xu hướng thị trường khác nhau sẽ ảnh hưởng đến các loài tôm nuôi khác nhau.

Nhìn vào các con số cho năm 2022 và 2023, Decamp nhấn mạnh sản lượng tôm sú vẫn tăng ổn định, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các thị trường cụ thể. Theo Decamp, giá tôm sú đang tăng lên trong khi giá tôm thẻ chân trắng đang giảm, xu hướng này sẽ tác động đến tiêu thụ bột cá vì tôm sú là loài ăn tạp.

Một trong những mối quan tâm cấp bách được thảo luận là sự biến động cao về chi phí sản xuất, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như khả năng tiếp cận nguyên liệu thô và tỷ lệ nuôi thành công, đặc biệt là trong bối cảnh quản lý dịch bệnh. Người nuôi tôm phải đối mặt với cuộc chiến giữ chi phí sản xuất thấp hơn doanh thu để duy trì lợi nhuận.

Decamp chỉ ra rằng nông dân châu Á bị ảnh hưởng đặc biệt bởi cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều người trong số họ không thể kiếm được lợi nhuận. Điều này đã khiến nông dân phải treo ao trì hoãn xuống giống hoặc tìm cách giảm thiểu rủi ro tài chính bằng cách cái tiến quy trình nuôi theo hướng tiết kiệm, giảm giá thành.

Decamp cũng lưu ý rằng ngành sản xuất và chế biến tôm ở châu Á kém tập trung hơn so với châu Mỹ La tinh, do đó bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi chi phí tăng cao.

Tỷ lệ sống trong nuôi tôm cũng được nhấn mạnh là vấn đề then chốt tại hội nghị Vietfish vào tháng 8 vừa qua và Decamp chỉ ra rằng tỷ lệ mất mùa là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ở một số nước, tỷ lệ thất bại có thể lên tới 50%, ảnh hưởng đáng kể đến tài chính của người nông dân.

Theo Decamp, chi phí thức ăn nuôi trồng thủy sản đã trở thành mối quan ngại hàng đầu của người nông dân, chiếm khoảng 50-65% tổng đầu tư nuôi trồng thủy sản của họ.

Do đó, các nhà sản xuất thức ăn thủy sản đã phải điều chỉnh theo tình hình này bằng cách tìm kiếm hoặc đánh giá lại các nguyên liệu thay thế và bổ sung. Giám đốc điều hành INVE cảnh báo mặc dù việc giảm đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro tài chính nhưng điều này cũng có nguy cơ dẫn đến suy giảm hiệu suất trang trại. Việc điều chỉnh chế độ ăn bao gồm tăng cường hàm lượng protein trong giai đoạn đầu của ấu trùng, sử dụng chế độ ăn có hàm lượng protein giảm và đánh giá lại tỷ lệ sử dụng bột cá cũng như đa dạng hóa nguồn bột cá.

Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế bột cá đặt ra một thách thức vô cùng lớn do cần phải có sự kết hợp giữa protein và chất dinh dưỡng. Theo Decamp, để vạch ra con đường phía trước, trọng tâm cần được chuyển sang nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận. Điều này có thể đạt được bằng cách thực hiện một quy trình cho ăn phù hợp kết hợp hỗn hợp thức ăn phù hợp, bao gồm cả chế phẩm sinh học, đồng thời thích ứng với các giai đoạn tăng trưởng khác nhau của tôm. Những cân nhắc trong nỗ lực này bao gồm mật độ thả tôm, cơ sở hạ tầng trang trại và quy mô thu hoạch mục tiêu.

Decamp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng của tôm và vai trò của protein trong chế độ ăn của chúng. Ông lưu ý rằng một lượng đáng kể protein thường bị lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả, tạo ra những thách thức về môi trường và kinh tế.

Ông đề xuất một số chiến lược để giảm chi phí sản xuất, bao gồm đàm phán với chính quyền để có nguồn thức ăn hợp lý hơn, tối ưu hóa các quy trình cho ăn và áp dụng các biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường hơn để giảm tác động lên hệ sinh thái.

Ông xác định hiệu quả là yếu tố quan trọng trong việc giảm chi phí, trong đó đầu tư vào công nghệ và phương pháp sản xuất hiện đại đóng vai trò quan trọng. Decamp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn nhà cung cấp giải pháp để đạt được hiệu quả hoạt động tốt hơn ở cấp độ trang trại.

Tuy nhiên, ông cũng dự đoán rằng những thách thức trong ngành nuôi tôm sẽ còn tồn tại trong ít nhất sáu tháng tới đây và cách tiếp cận tập trung vào chi phí cũng như tập trung vào việc tăng hiệu quả thông qua đổi mới công nghệ nuôi sẽ rất quan trọng.

Hải Đăng (theo Undercurrentnews)

Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn

Tin mới nhất

T6,03/05/2024