Cách nuôi trồng thủy sản “sạch và bền vững”

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 01/01/2022, các cơ sở nuôi trồng thủy sản sẽ thay thế, sử dụng vật liệu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, thân thiện với môi trường.

Để có môi trường biển sạch và bền vững, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Địa phương này đặt mục tiêu đến 01/01/2022, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang sử dụng vật liệu nổi là các loại phao, phi phải chuyển đổi và sử dụng vật liệu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, thân thiện với môi trường. Đây được cho là động thái quyết liệt, có trách nhiệm của Quảng Ninh trước những tác động khắc nghiệt của thời tiết, đang ảnh hưởng rõ nét tới môi trường biển.

Gần 30 năm gắn bó với nuôi trồng thủy sản tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Văn Dương (59 tuổi) cảm nhận rõ nét những đổi thay của môi trường khi phao xốp được sử dụng phần lớn làm vật liệu nổi. Giá thành rẻ, dễ tìm kiếm trên thị trường tuy nhiên dưới những khắc nghiệt của sóng, gió và sự ăn mòn của nước biển, phao xốp bộc lộ rõ những yếu điểm. Chỉ sau khoảng 2 năm sử dụng, các mối liên kết bên trong phao bị vỡ, xốp bên trong thất thoát ra môi trường nhất là sau mỗi trận bão.

Ông Phạm Văn Dương cho biết: “Phao xốp khi có tác động của sóng, gió và con người là rơi rụng vào nó ảnh hưởng tới môi trường nghiêm trọng. Trên mặt biển thì sẽ không nhìn thấy nhưng nếu vào bờ nhất là khu vực vạ đá thì nó chất thành đống, xếp lớp kéo dài. Nếu bật lửa đốt có lẽ sẽ kéo dài hàng chục cây số. Nên việc thay thế vật liệu này là rất cần thiết. Mỗi 1 năm phao xốp hư hỏng 30-40%”.

Phao xốp là 1 trong 5 loại rác dễ tìm thấy nhất trên các bờ biển vịnh Hạ Long, chiếm trên 70%. Trước thực trạng báo động này, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết tháng 12 năm nay, tất cả các hộ nuôi trồng thủy sản phải thay thế vật liệu nổi đang sử dụng sang vật liệu đạt các quy chuẩn thân thiện với môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.

3 hộ dân nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn được lựa chọn thí điểm. Sau khi thay thế xong 2ha bằng phao tròn HDPE , ông Nguyễn Văn Bính đã mạnh dạn thay 8.000m2 ống loại HDPE và phao tròn HDPE cho toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới 7 ha tại khu vực hòn Bánh Sữa, xã Bản Sen của gia đình.

Gần 20.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh tập trung chủ yếu tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái.

Theo ông Bính: “Về giá thành thì tôi thấy ống HDPE đắt gấp đôi, có loại gần gấp 3 nhưng sử dụng được 10 năm và độ bền cao, sóng gió, chịu va đập tốt và ít bị ảnh hưởng tới môi trường. Nuôi nhuyễn thể là dựa vào môi trường nên tôi thấy hiệu quả thì làm”.

Vân Đồn là địa bàn có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với hơn 4.250 ha mặt nước và gần 1.400 hộ tham gia. Trong đó có trên 1.000 cơ sở đang sử dụng 1 vạn quả phao xốp để nuôi trồng thủy sản.

Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn mong muốn: “Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức cho người dân để chuyển đổi vật liệu nổi thân thiện với môi trường. Hiện nay huyện Vân Đồn đã kiến nghị với Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh có cơ chế đặc thù để chuyển đổi cho nó phù hợp và nhất là trong giai đoạn việc nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm đang gặp khó khăn do Covid-19″.

Gần 20.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh tập trung chủ yếu tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái.

Bà Phạm Thị Đà, Phó trưởng phòng Quản lý Thủy sản, Chi Cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, ngoài 3 công ty được cấp phép, Sở đang xem xét thêm các hồ sơ, thủ tục công bố hợp quy của nhiều đơn vị khác để người dân có nhiều lựa chọn sản phẩm thay thế với giá cả cạnh tranh nhất.

“Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm những hồ sơ đủ điều kiện công bố hợp quy để bà con có thêm những lựa chọn về các nhà phân phối với giá thành hợp lý. Đây cũng là cách thúc đẩy nhanh nhất việc chuyển đổi vật liệu nổi như kế hoạch tỉnh đã đưa ra” – bà Đà nhấn mạnh.

Việc thay thế những vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, thân thiện với môi trường đã được Quảng Ninh khởi động cách đây gần 5 năm nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thực sự tạo ra những chuyển biến rõ nét cho nghề nuôi trồng thủy sản. Nếu không khẩn trương và có những động thái quyết liệt thì mục tiêu đến hết năm nay phải thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi thân thiện, đảm bảo quy chuẩn của địa phương khó mà thực hiện được.

Vũ Miền
VOV – Đông Bắc