Cà Mau: Phát triển phong trào nuôi tôm đạt chuẩn thị trường xuất khẩu

[Người Nuôi Tôm] – Sáng 18/11, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị trực tuyến với nội dung: Duy trì, phát triển phong trào nuôi tôm đạt tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu tại Cà Mau.

Con tôm là ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau – Ảnh Diệu Lữ

 

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, Cà Mau hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông nghiệp bình quân 8%/năm giai đoạn 2021 – 2025; đến năm 2025, tỉnh quyết tâm có từ 5 sản phẩm nông nghiệp trở lên đạt điều kiện xuất khẩu…

Trong các ngành hàng sản xuất để xuất khẩu của Cà Mau, chiếm ưu thế nhất vẫn đến từ ngành hàng chủ lực là sản phẩm con tôm. Theo đó, tỉnh định hướng phát triển nghề nuôi tôm đến năm 2025 giữ ổn định khoảng 280.000 ha. Bên cạnh tập trung gia tăng năng suất, sản lượng, yếu tố chất lượng được đặc biệt quan tâm, nhất là tôm sinh thái với mục tiêu đạt 49.000 ha. Cụ thể, phát triển các hình thức nuôi tôm – rừng ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân; tôm – lúa ở H.Thới Bình, H.U Minh, một phần H.Trần Văn Thời và TP.Cà Mau. Song song đó, phát triển các hình thức nuôi tôm xen canh các loài thủy sản khác với diện tích khoảng 250.000 ha.

Hiện sản phẩm tôm của Cà Mau đang có nhiều ưu thế với các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ; các thị trường truyền thống, như: Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc… Qua đó, Cà Mau hướng đến phát triển xuất khẩu sản phẩm tôm tại các thị trường tiềm năng thông qua các hiệp định thương mại đã được ký kết, tăng cường xúc tiến thương mại. Mục tiêu đạt 5,649 tỉ USD cho giai đoạn 2021 – 2025; trong đó năm 2025 xuất khẩu tôm phấn đấu ước đạt 1,21 tỉ USD.

Sản lượng tôm toàn tỉnh hàng năm khoảng 200.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 45 nhà máy chế biến thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 01 tỷ đô la/năm. Nhằm phát huy hiệu quả những mô hình sẵn có theo định hướng đến năm 2025, tỉnh Cà Mau giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha. Tỉnh sẽ xây dựng 05 vùng nuôi tôm siêu thâm canh, với diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 1.000 ha đạt chứng nhận quốc tế; đồng thời, phát triển diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi, với khoảng 10.000 ha; trong đó có 500 ha đạt chứng nhận quốc tế. Định hướng phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến đến năm 2025 đạt khoảng 200.000 ha và 20.000 ha nuôi tôm theo hình thức hữu cơ; trong đó phấn đấu có 10.000 ha được chứng nhận quốc tế.

Tuy nhiên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng mô hình, cách thức tổ chức liên kết sản xuất tôm theo chuỗi giá trị bền vững thời gian qua tại Cà Mau. Hội nghị duy trì phát triển phong trào nuôi tôm đạt chuẩn thị trường xuất khẩu đã kết nối với các hộ nuôi tôm, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài tỉnh triển khai một số văn bản, các vấn đề có liên quan đến điều kiện nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn, chứng nhận tôm sinh thái, tôm hữu cơ…Đồng thời trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp hiệu quả, thiết thực trong việc duy trì và phát triển một số mô hình nuôi tôm hiện có ở địa phương, kinh nghiệm phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh, phát triển nuôi luân canh tôm – lúa, phát triển nuôi tôm – rừng theo hướng mở rộng diện tích nuôi đạt chứng nhận quốc tế.

Hiện tỉnh Cà Mau có 19.000 ha được đánh giá và cấp các chứng nhận nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, B.A.P, EU, VietGap,… với khoảng 4.200 hộ dân tham gia mô hình nuôi, sản lượng tôm có chứng nhận đạt năng suất trên 10.000 tấn/năm.

Gia Bảo Tổng hợp

Tin mới nhất

T2,06/05/2024