Bình Định: Thu hoạch vụ tôm đầu tiên của năm 2020: Phần lớn người nuôi tôm có lãi

Trong vụ tôm đầu tiên của năm nay, diện tích nuôi tôm cả tỉnh Bình Định hơn 1.959 ha, chiếm 91% diện tích hiện có. Sau thời gian thả tôm nuôi từ 2,5 – 3 tháng, một số vùng nuôi trong tỉnh đã và đang tiến hành thu hoạch.

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các DN trở lại gom mua tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Với giá bán tôm loại 100 con/kg ở mức 88.000 – 90.000 đồng/kg, tôm loại 70 – 80 con/kg có giá 100 – 110 nghìn đồng/kg như hiện nay, người nuôi đảm bảo có lãi.

Ông Trần Anh Quang, ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) thả nuôi gần 1 triệu con tôm thẻ chân trắng trong 3 ao nuôi trải bạt diện tích 4.000 m2. Hiện ông Quang đã thu hoạch 1 ao với cỡ tôm 200 con/kg, sản lượng hơn 2 tấn, lãi gần 50 triệu đồng. Ông Quang bộc bạch: “Mặc dù giá tôm có thấp hơn mấy năm trước, nhưng so với năm ngoái thì cao hơn một chút. Nói chung ở nghề này, nếu không bị dịch bệnh thì ít nhiều gì cũng sẽ có lãi! Vừa trải qua một mùa dịch Covid-19 quá nhiều lo lắng nên tôi thấy như vậy cũng ổn. Tôi thu hoạch 1 ao nuôi do tôm chậm lớn, 2 ao còn lại tôm đã đạt kích cỡ 170 – 180 con/kg, tôi nuôi tiếp đến khi tôm đạt cỡ 70 – 80 con/kg mới bán, hy vọng sẽ khá hơn bây giờ”.

Ông Trần Anh Quang, ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) tiếp tục chăm sóc tôm nuôi 2 ao còn lại để chờ ngày xuất bán tiếp.

Nhiều vùng nuôi ở huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, người nuôi tôm cũng đã và đang chuẩn bị thu hoạch. Anh Đặng Văn Toàn, ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), cho biết: “Gia đình tôi có 3 ao nuôi tôm với diện tích gần 3.000 m2, hiện đã thu hoạch 1 ao được hơn 3 tấn, lãi được hơn 100 triệu đồng. Cuối tháng này tôi sẽ thu hoạch 2 ao còn lại. Sau khi bán hết tôm, tôi sẽ phơi đáy, cải tạo cả 3 ao để chuẩn nuôi tiếp vụ phụ”.

Còn anh Lê Văn Nhơn, người dân nuôi tôm ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn), cho hay: “Trên diện tích ao 2.500 m2 tôi thả nuôi 30.000 con tôm thẻ chân trắng được hơn 2 tháng, giữa tháng tới tôi sẽ thu hoạch. Sau đó sẽ thả nuôi cá, cua nhằm tăng hiệu quả kinh tế”.

Phần lớn người nuôi tôm đều có lãi nhưng cá biệt tại một số vùng, do dịch bệnh phát sinh, người nuôi phải thu hoạch sớm để gỡ gạc. Ông Phạm Văn Chạy, ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), thổ lộ: “Do thời tiết nắng hạn kéo dài, rồi lại mưa lớn bất thường nên môi trường ao nuôi biến động mạnh, tôm bị bệnh đốm trắng, bỏ ăn rồi chết dần. Tôi mới nuôi được 1,5 tháng mà tôm bị bệnh, nên buộc phải thu hoạch sớm để bán. Thu hoạch cả ao nuôi mà chỉ được 1,5 tạ tôm, do tôm còn nhỏ nên bán với giá chỉ 44.000 đồng/kg. Tính ra tôi lỗ hơn 10 triệu đồng trong vụ nuôi này, nhưng vẫn còn may mắn hơn các hộ nuôi khác ở đây, có hộ bỏ ao chẳng màng thu hoạch do tôm chết hàng loạt”.

Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN&PTNT), trong vụ nuôi tôm này, cả tỉnh có 37,26 ha tôm nuôi bị bệnh do môi trường, bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy; trong đó riêng Tuy Phước đã chiếm tới 35,89 ha. Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: Khi dịch bệnh tôm xảy ra, người nuôi không báo ngay với ngành chức năng để lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân mà chủ yếu tự điều trị theo kinh nghiệm, đến khi tôm chết hàng loạt mới báo cáo. Ngay sau khi nhận thông tin về dịch bệnh tôm, Chi cục phối hợp với Chi cục Thủy sản, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai giải pháp xử lý dịch bệnh, tránh lây lan trên diện rộng, giúp người nuôi giảm thiểu thiệt hại.

Tại vùng nuôi tôm ở huyện Tuy Phước, lượng tôm còn lại trong ao nuôi khoảng 30%, người nuôi đã chủ động thả nuôi thêm cá dìa và cua để giảm lỗ. Với các vùng nuôi tôm còn lại trong tỉnh, ngành chức năng hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh tôm để thu hoạch đúng thời điểm, đạt hiệu quả kinh tế.

Nguồn tin: Báo Bình Định