Bình Định: Tăng cường quản lý và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản

Dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhưng năm 2021 hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bình Định vẫn đạt kết quả khả quan. Theo Sở NN&PTNT, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng hơn 3.990 ha, trong đó nuôi tôm nước lợ hơn 2.490 ha (tương đương năm 2020). Sản lượng ước đạt 12.096 tấn, tăng 5,1% so với năm 2020; trong đó sản lượng tôm nước lợ ước đạt hơn 9.188 tấn, tăng 6,9%.

Dù vậy, để hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển theo hướng bền vững, đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, ngày 10.12.2021 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý nuôi trồng thủy sản 2022. Thực hiện theo chỉ thị này, ngày 21.12 Sở NN&PTNT đã ban hành lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 trên tổng diện tích nuôi hơn 2.045 ha. Theo đó, hướng dẫn cụ thể về cách nuôi 2 – 3 vụ, kết hợp chính và phụ trong năm tùy theo đó là vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (37,9 ha), nuôi tôm trên cát (149 ha); vùng cao triều đầm phá, cửa sông có cơ sở hạ tầng tương đối tốt (396,2 ha); vùng nuôi có cơ sở hạ tầng chất lượng thấp, không đảm bảo nuôi theo hình thức thâm canh – bán thâm canh (hơn 1.462 ha).

Người dân nuôi tôm vụ 1 năm 2021 trong ao trải bạt tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Ảnh: HOÀI THU

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết, cùng với lịch thời vụ, Sở cũng lưu ý một số biện pháp kỹ thuật như: Nhân rộng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, áp dụng nuôi tôm kết hợp với thủy sản khác nhằm hạn chế dịch bệnh. Đối với các hộ nuôi mua giống từ bên ngoài tỉnh, cần phải có giấy kiểm dịch của cơ quan quản lý; trong tỉnh cần giấy kiểm tra, xét nghiệm của Chi cục Chăn nuôi – Thú y. Tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, các địa phương có thể hướng dẫn điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp và nằm trong khung mật độ hướng dẫn của lịch thời vụ.

Theo chỉ đạo của Sở NN&PTNTT, Chi cục Thủy sản tiếp tục tăng cường thực hiện cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; giấy xác nhận NTTS lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho tổ chức, cá nhân; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản…. Để chủ động trong xử lý môi trường, ao đìa nuôi, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, tỉnh có kế hoạch phân bổ thuốc sát trùng hỗ trợ người NTTS, cụ thể sẽ cấp 52,6 tấn chlorine và 18 tấn chlorite để xử lý môi trường ao nuôi trong vụ 1 năm 2022 theo đăng ký của 5 địa phương (Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Quy Nhơn) và Trung tâm Giống nông nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, căn cứ theo lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 trên địa bàn tỉnh, Chi cục sẽ có những hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người nuôi phòng chống và đẩy mạnh tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động hơn theo thực tế; đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản… nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh và hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã và đang dựng kế hoạch NTTS năm 2022; tăng cường hướng dẫn và giám sát người nuôi tôm thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi tôm và các quy định phòng, chống dịch bệnh tôm.

Ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, chia sẻ: Năm 2022, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện tốt hơn các quy trình nuôi thủy sản tiên tiến, cùng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Phòng NN&PTNT huyện và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang phối hợp xây dựng kế hoạch hỗ trợ người nuôi phù hợp tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dự kiến, từ tháng 2.2022, sẽ triển khai các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền người nuôi chấp hành tốt hơn các quy định đối với sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, nuôi thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực…

Tác giả: HOÀI THU

Nguồn tin: Báo Bình Định