Bệnh trống đường ruột trên tôm thẻ: Một số biện pháp phòng và điều trị

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Bệnh trống ruột, thức ăn không đầy ruột, lỏng ruột trên tôm thẻ chân trắng khiến tôm bỏ ăn, chậm lớn, FCR tăng gây ảnh hưởng đến chất lượng tôm và làm giảm năng suất vụ nuôi. Dưới đây là nguyên nhân và một số cách phòng trị bệnh trống đường ruột trên tôm.

Bệnh trống đường ruột có thể do nhiều nguyên nhân nhưng tác nhân chính là do vi khuẩn Vibrio spp gây ra

Nguyên nhân

Bệnh trống đường ruột ở tôm có thể do nhiều nguyên nhân nhưng tác nhân chính là do vi khuẩn Vibrio spp gây ra. Vi khuẩn này xâm nhập vào đường ruột tôm, chúng bám vào thành ruột, tiết ra độc tố phá hủy thành ruột và làm cho thành ruột bị viêm, tôm không ăn được khiến đường ruột tôm bị trống.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như: Thức ăn chất lượng kém (bị nhiễm nấm mốc, độc tố, hỏng…); Tôm ăn phải tảo độc, tảo tiết ra enzyme làm tê liệt lớp biểu mô ruột, làm ruột không hấp thu thức ăn được, tôm bị bệnh; Do ký sinh trùng bám vào thành ruột và gây tổn thương ruột; Do thời tiết thay đổi: Nắng nóng kéo dài, mưa nhiều hoặc lạnh quá cũng làm tôm ăn yếu, bỏ ăn lâu ngày sẽ dẫn đến đường ruột tôm bị trống.

Biểu hiện ở tôm bệnh

Tôm yếu ăn hoặc bỏ ăn, đường ruột bị mờ đục, bị đứt từng đoạn hoặc không có thức ăn trong đường ruột, viêm đỏ đường ruột; Thức ăn trong đường ruột không cố định chuyển động khi lắc nhẹ thân tôm; Phân tôm không suôn, dễ nát, màu sắc nhợt nhạt khác với màu phân bình thường.

Phòng bệnh

Kiểm soát tốt chất lượng thức ăn: Cho tôm ăn thức ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi, với lượng thức ăn phù hợp và không bị dư thừa. Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố hay bị hư hỏng…; trong quá trình nuôi, thường xuyên bổ sung men tiêu hóa có lợi cho đường ruột của tôm và vitamin C  để tăng sức đề kháng cho tôm, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh,…

Quản lý môi trường ao nuôi: Cải tạo ao kỹ, xử lý nước trước khi thả nuôi; thả giống mật độ phù hợp, tránh thả quá dày; quản lý tốt các thông số môi trường nước trong ao nuôi; định kỳ thay nước, xử lý chất hữu cơ dư thừa, bùn đáy ao, tảo độc, ổn định màu nước; định kỳ sử dụng men vi sinh để xử lý đáy ao, cải thiện chất lượng nước ao nuôi.

Trị bệnh

Khi phát hiện tôm bị bệnh, cần tiến hành: Loại bỏ thức ăn bị nấm mốc hay bị hỏng; cắt tảo ngay lập tức (nếu có) bằng men vi sinh; ngưng không cho tôm ăn 1-2 ngày. Khi cho tôm ăn lại chỉ cho 50% lượng thức ăn so với ban đầu, tăng lượng thức ăn từ từ ở những ngày kế tiếp, kết hợp sục khí liên tục; tiến hành diệt khuẩn ao nuôi bằng các hóa chất như: BKC, KMnO4 , Iodine… (liều dùng tùy vào sức khỏe của tôm); kết hợp bón vôi, Zeolite, Yucca nhằm cải thiện thông số môi trường như pH, độ kiềm, khí độc trong ao nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học nhóm Bacillus, Nitrobacteria,… nhằm cải thiện môi trường nước và hệ vi sinh có lợi trong ao; bổ sung men tiêu hóa có lợi cho đường ruột của tôm và vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm.

Hảo Mai (Tổng hợp)