Bangladesh: Sản lượng tôm giảm mạnh

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Sản lượng tôm của Bangladesh ghi nhận sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ các yếu tố như chi phí nuôi tăng, hạn hán và dịch bệnh.

Khu nuôi tôm tại Bangladesh (Ảnh: SK Hasan Ali/Alamy) 

Tại Khulna, vùng nuôi tôm chính của Bangladesh đã xuất khẩu 19.900 tấn tôm trong năm tài chính 2022-2023. Con số này giảm so với 24.100 tấn so với năm trước. Nhiều yếu tố đã góp phần làm giảm sản lượng tôm ở Khulna như việc giảm nguồn nước lợ, virus tấn công, người nông dân chưa sẵn sàng áp dụng các phương pháp hiện đại dẫ tới việc tôm nuôi dễ nhiễm bệnh.

Hạn hán cũng đóng một vai trò trong sự suy giảm này. Lượng mưa thấp bất thường và nhiệt độ nóng hơn mức trung bình đã khiến tỷ lệ tôm chết tăng đột biến trên khắp các trang trại nuôi tôm trên cả nước. Tỷ lệ bùng phát dịch bệnh cũng cao hơn.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu thực phẩm đông lạnh Bangladesh, xuất khẩu tôm của Bangladesh đạt trung bình trên 30.000 tấn trong giai đoạn 2016-2020, nhưng đến giữa năm tài chính hiện tại, Bangladesh chỉ sản xuất được 13.592 tấn tôm.

Hiện tại, Bangladesh có tổng cộng 38.892 trang trại nuôi tôm trên cả nước, tỷ lệ sản xuất giảm xuống còn 300 đến 400 kg/ha, đây là tỷ lệ trung bình thấp nhất trong số tất cả các quốc gia sản xuất tôm lớn trên toàn cầu.

Theo các chuyên gia nhận định, giá thức ăn thủy sản tăng cao cũng làm giảm tỷ suất lợi nhuận, dẫn đến giá tôm Bangladesh giảm 24% trong năm tài chính hiện tại. Ukraine và Nga, cả hai đều là những khách hàng mua tôm lớn của Bangladesh, đã cắt giảm thu mua trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.

Bangladesh đã thu về 300,3 triệu USD từ xuất khẩu tôm đông lạnh trong năm tài chính vừa qua và 407,3 triệu USD trong năm trước đó, chiếm phần lớn trong tổng xuất khẩu thủy sản của nước này.

Trước tình hình trên, Chính phủ Bangladesh đã phê duyệt mở rộng dự án thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng, khởi xướng vào năm 2021. Hiệp hội các nhà xuất khẩu thực phẩm đông lạnh Bangladesh đã kêu gọi sự trợ giúp bổ sung của Chính phủ trong việc mở rộng năng lực của ngành để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, mà theo Hiệp hội là có thể làm tăng thu nhập của ngành.

Hiểu Linh (Theo Seafoodsource)