Hệ thống vườn ươm: Giảm rủi ro khi nuôi tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Hệ thống vườn ươm hay ương dưỡng không còn là khái niệm xa lạ đối với người nuôi tôm châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự trợ giúp của vườn ươm sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngành thuỷ sản bởi có thể hạn chế dịch bệnh bùng phát. Nhờ đó tăng thêm năng suất cho ngành nuôi tôm nước lợ và có lợi cho hệ sinh thái.

Hệ thống ương giống mang đến cho ngành tôm cơ hội quan trọng để tăng năng suất và nâng cao lợi nhuận.

Thiết kế và vận hành hệ thống vườn ươm

1. Xử lý/chuẩn bị nước ban đầu

Xử lý nguồn nước ban đầu là phương pháp đảm bảo nước trong vườn ươm được loại bỏ mầm bệnh sạch sẽ, cho môi trường tôm lớn lên ổn định. Nhờ công đoạn này mà tôm giống ở giai đoạn đầu hấp thụ thức ăn tốt hơn, làm quen với môi trường nước ao nuôi và phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, hoá chất sử dụng ban đầu còn để xử lý nước thải nuôi tôm, bảo toàn nguồn nước sạch cho vụ tôm tiếp theo và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hình 1: Chuẩn bị nước cho hệ thống vườn ươm

2. Vị trí vườn ươm nuôi tôm

Vị trí lý tưởng của vườn ươm nuôi tôm là ở gần khu nuôi thương phẩm để tiếp cận với chất lượng nước cao và cơ sở hạ tầng của trang trại. Nguồn nước tốt từ kênh dẫn nước của trạm bơm hoặc trang trại, cho phép thoát nước và làm khô kênh hồ chứa chính mà không ảnh hưởng đến hoạt động của vườn ươm. Nước nên chảy vào kênh xả của trang trại và cách xa cửa lấy nước.

Để giảm chi phí, nên bố trí các vườn ươm gần nguồn điện dự phòng chính và khẩn cấp hiện có. Nếu có thể, vườn ươm nên ở gần khu vực quản lý chính của trang trại, gần văn phòng, vật tư và nhân sự. Tốt nhất, vị trí xây dựng phải đủ cao để thoát nước tốt và thời gian di chuyển không quá 5-10 phút đến ao xa nhất trong trại.

3. Bể ương trong vườn ươm nuôi tôm

Bể ương thường thiết kế một pha, có thể tích từ 40 – 200m3 , vừa đủ cho mật độ tôm giống từ 100 đến khoảng 3.000 con. Các bể được che phủ bao bọc bên ngoài bởi nhà kính hoặc vải bóng râm.

Hầu hết các hệ thống bể được xây dựng bằng bê tông, lưới thép, gỗ, nhựa, sợi thủy tinh. Có trường hợp dùng đất đầm chặt và lót nhựa cao cấp (HDPE hoặc EPDM bằng vật liệu lót không độc hại) hoặc lớp phủ epoxy để làm thành bể chứa nhỏ.

Hình dạng bể ương có thể là hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật… Mỗi hình dạng khác nhau sẽ có những đặc điểm và mang lại lợi ích riêng

  • Bể ương hình tròn

Bể tròn với hệ thống thoát nước ở trung tâm, có khả năng luân chuyển nước tốt, sục khí đồng đều, từ đó có khả năng phân phối thức ăn và loại bỏ bùn, tự làm sạch cho bể, tích tụ chất thải hút một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, bể tròn có giới hạn về kích thước, chỉ nên xây dựng bể với đường kính nhỏ hơn 4m. Khi bể tròn quá lớn, việc quản lý và phân phối thức ăn khó đồng nhất, cần nguồn năng lượng lớn để duy trì vận tốc dòng chảy, việc cọ rửa và cuốn theo chất thải rắn tới điểm thu gom trở nên khó khăn hơn.

  • Bể ương hình chữ nhật

Hình 2: Bể ương tôm hình chữ nhật

Bể hình chữ nhật dễ xây dựng, tiết kiệm không gian của vườn ươm hơn, việc quản lý cũng dễ dàng. Nhưng các góc của hình chữ nhật khiến người nuôi khó loại bỏ chất rắn cũng như bùn, việc phân phối thức ăn cũng kém đồng đều. Do đó, bể loại này có thể cần tới hai cống và hai điểm thu gom chất thải rắn. Chi phí xây dựng, vận hành và quản lý của bể ương hình chữ nhật có thể cao hơn bể tròn.

  • Bể ương hình bầu dục

Bể ương hình bầu dục có khả năng lưu thông nước tốt để giữ chất rắn ở trạng thái lơ lửng nên dễ dàng loại bỏ chất thải. Đây là thiết kế phù hợp với nhà kính và giúp đạt lượng sinh khối tôm cao một cách nhất quán. Tuy nhiên, bể hình bầu dục khó xây dựng và quản lý hơn so với các thiết kế khác. Cần khá nhiều năng lượng để tạo ra dòng nước cần thiết nhằm đưa chất thải rắn tập trung tại điểm loại bỏ.

  • Mương xếp chồng lên nhau

Các hệ thống mương hình chữ nhật nông (khoảng 10 – 20cm nước) xếp chồng lên nhau được thiết kế cho mật độ nuôi giống siêu cao và hiệu quả về không gian. Các mương xếp chồng có thể tối đa hoá sinh khối gấp 10 lần so với bể ương đơn hình dạng khác. Đồng thời, hiệu quả hơn trong kiểm soát nhiệt độ, thức ăn. Đối với những trang trại bị hạn chế về diện tích không gian, có thể áp dụng hệ thống mương xếp chồng để tối ưu hoá hiệu suất. Đây cũng là phương pháp hỗ trợ các hoạt động nuôi thương phẩm siêu thâm canh và nuôi tôm trong thời tiết lạnh.

Các thông số cơ bản cần giám sát trong hệ thống vườn ươm:

Nhiệt độ (oC), DO (mg/L), Độ kiềm (mg/L), NH3– N (mg/L), TAN (mg/L), NO2-N (mg/L), NO3-N (mg/L) , Trọng lượng trung bình (g), Sinh khối (kg/m2) và (kg/m3)

Quản lý vườn ươm giống nuôi tôm 

Quản lý vườn ươm là chìa khóa để quy trình nuôi tôm thành công nên việc chuẩn bị đầy đủ bể (làm sạch, khử trùng, sử dụng men vi sinh) là rất quan trọng.

  • Quy trình của ương tôm trong vườn ươm

Trước khi thả giống, người nuôi cần khử trùng bể ương, ống mềm và đá khí bằng Natri Hypochlorite ở nồng độ 20ppm. Đảm bảo làm sạch bằng vòi xịt hoặc cho nước chảy, sau đó sấy khô trong 24 giờ. Tiếp theo, đổ đầy bể bằng nước biển, cấy thực vật phù du.

Trong quá trình chuẩn bị bể, thêm Probiotics sẽ giúp tăng tỷ lệ sống của tôm giống, giảm bùng phát dịch bệnh Vibrio Pseudomonas trong bể ương.

Cho tôm giống PL vào bể sợi thủy tinh 1.000 lít để PL được thích nghi với pH, độ mặn và nhiệt độ của nước trước khi thả vào bể ương. Sau 2 giờ đợi tôm giống thích nghi, người nuôi cung cấp thức ăn cho tôm.

Trong giai đoạn ương, tôm được cho ăn chế độ ăn khởi đầu chất lượng cao với hàm lượng protein thô từ 40% trở lên và kích thước nhỏ hơn 800-μ. Chế độ ăn của ấu trùng được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ truyền bệnh. Trong những ngày đầu tiên sau khi thả giống, phải rải thức ăn khô và sau đó chuyển thức ăn vào khay ăn.

Trong tuần nuôi đầu tiên, thực hiện thay nước không quá 10% một ngày, để duy trì sinh khối thực vật phù du cao. Đợi tôm giống thích nghi ổn định, nước có thể được thay lên đến 30% hàng ngày. Chất thải ở đáy bể phải được xiphong.

Trong hệ thống ương tôm, khâu quan trọng nhất là chuyển tôm ra ao nuôi thương phẩm. Trước khi chuyển, phải kiểm tra sức khỏe và đường tiêu hóa.

  • Kiểm soát chất lượng nước và cho ăn

Kiểm soát chất lượng nước, giảm tỷ lệ nước trao đổi, xử lý nước thải phù hợp. Nên nhớ áp dụng chế phẩm sinh học để điều chỉnh sức khoẻ của tôm giống, duy trì điều kiện môi trường tối ưu cho vườn ươm.

Thức ăn cho hệ thống vườn ươm cần có chất lượng cao hơn, với 42% protein thô và thức ăn năng lượng cao được cho ăn cách nhau 2 giờ. Lượng thức ăn được điều chỉnh tùy thuộc vào khay thức ăn, chất lượng nước và sự phát triển của động vật. Cộng đồng vi sinh vật trong các hệ thống vườn ươm cũng có thể đóng vai trò là nguồn protein đơn bào cung cấp thức ăn bổ sung cho tôm giống.

  • Đảm bảo an toàn sinh học

Việc quản lý vườn ươm còn cần đảm bảo an toàn sinh học cho tôm giống. Kiểm tra tôm trong bể ương định kỳ để kịp thời phát hiện mầm bệnh, loại bỏ cá thể nhiễm bệnh nhằm tránh bùng phát dịch, và điều chỉnh thức ăn hợp lý. Trong khi xử lý hay vận chuyển tôm giống, cần sử dụng thêm chế phẩm sinh học để làm giảm căng thẳng cho tôm.

Hệ thống vườn ươm nuôi tôm ngày càng được phổ biến tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và ở Ấn Độ. Khi phương pháp nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn được triển khai trên quy mô thương mại, sẽ mang lại hiệu suất cao hơn cho ngành nuôi tôm, giảm tỷ lệ rủi ro và tăng lợi nhuận cũng như đảm bảo không ảnh hưởng tới hệ sinh thái.

Nguyên Vân (Tổng hợp)