Ứng dụng công nghệ số trong quản lý nuôi tôm

Sáng ngày 8/4, Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA) kết hợp với Công ty công nghệ Jala và Đại học Tokyo tổ chức Hội thảo “Khởi động chương trình ứng dụng công nghệ số Jala trong quản lý nuôi tôm siêu thâm canh giai đoạn 2 và đánh giá tác động của công nghệ tới sự phát triển bền vững của ngành hàng tôm Cà Mau”.

Ngành thủy sản Việt Nam đã cán mốc 10 tỷ USD xuất khẩu năm 2022, trong đó ngành tôm là 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong quá trình tăng trưởng, chuỗi ngành hàng tôm đang dần bộc lộ nhiều yếu tố còn hạn chế mang tính hệ thống, chuỗi liên kết lỏng lẻo, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ và đặc biệt là công nghệ số còn rất thiếu và yếu.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và ngành tôm nói riêng hiện nay là định hướng của Chính phủ và quyết tâm của Bộ NN&PTNT. Đây cũng là nhu cầu cấp thiết và là xu thế phát triển tất yếu của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất tôm để sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.


Đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch VSSA, nhấn mạnh, mục tiêu kết nối thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị tôm Việt là một trong những hoạt động ưu tiên hàng đầu của VSSA.

Đã qua, VSSA không ngừng kết nối với các đối tác công nghệ trong nước cũng như quốc tế, giúp ngành tôm phát triển bền vững. Cũng vào thời điểm này năm trước, VSSA đã phối hợp với đối tác Jala Indonesia khởi động chương trình thí điểm ứng dụng công nghệ Jala trong quản lý nuôi tôm siêu thâm canh giai đoạn 1 (giai đoạn học sử dụng ứng dụng trên điện thoại).

Qua chương trình này, đã có hàng trăm hộ dân được làm quen, tiếp cận với công nghệ mới với trên 4 HTX nuôi tôm siêu thâm canh là hội viên của VSSA. Có thể nói, chương trình ứng dụng công nghệ số này là bước đi tiên phong, đổi mới và đột phá trong ngành tôm Việt Nam.

Tiếp nối thành công giai đoạn 1, tới đây sẽ mở rộng chương trình thêm ở HTX Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, mục tiêu của hội thảo nhằm mang đến cách tiếp cận ứng dụng công nghệ trong quản lý nuôi tôm và chương trình nghiên cứu đánh giá tác động của công nghệ tới người nuôi tôm.

Hội thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu về hoạt động bước đầu của giai đoạn 1. Các ý kiến đều khẳng định, thành công bước đầu đến từ sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của bà con nuôi tôm tham gia chương trình là nền tảng quan trọng cho những chương trình phối hợp tiếp theo./.

Phú Hữu

Nguồn tin: Báo Cà Mau