Thành công với mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa 1 vụ

Được biết đến là vùng đất “đồng chiêm trũng”, có diện tích đất trồng lúa 1 vụ rộng lớn. Mới đây, tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã ghi nhận được kết quả tích cực khi áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trên những cánh đồng lúa 1 vụ, mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, đồng thời tận dụng, tránh lãng phí đất bỏ hoang.

Mô hình nuôi xen tôm và lúa

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa Trồng Trọt và Thủy sản. Phương thức nuôi này không những làm giảm việc tranh diện tích sản xuất mà còn góp phần tăng thu nhập trên một mảnh đất, nuôi tôm trong ruộng lúa chẳng những không giảm năng suất lúa mà còn có sản phẩm tôm.

Nuôi tôm tốt nhất nên nuôi trên các ruộng cấy lúa vì lúa cấy có khoảng trống nên tôm có thể bơi xen giữa lúa ăn được thức ăn trên ruộng. Nếu nuôi trên lúa sạ thì nên sạ lúa thưa hơn sạ bình thường. Thả giống tốt nhất khi cây lúa 2 tuần sau khi sạ hay 1 tuần sau khi cấy. Với mô hình nuôi một vụ lúa, ruộng chỉ canh tác vụ lúa Đông – Xuân, sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành thả. Thời điểm thả giống thông thường từ tháng 3 – 4, mật độ thả từ 3 – 5 con/m2, thời gian nuôi 7 – 8 tháng. Hai tháng trước khi thu hoạch có thể tiến hành thu tỉa những con lớn, con cái và con chậm phát triển để bán, nếu thả giống vào vụ Đông – Xuân thì nên thu những con lớn và giữ tôm nhỏ lại để nuôi tiếp.


Nuôi tôm càng xanh xen canh đất lúa giúp bà con tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc đầu tư. Ảnh: laodong.vn

Cần chăm sóc và quản lý chặt chẽ việc nuôi bởi chúng có sự liên kết đến việc canh tác lúa. Lưu ý, vào ban đêm do các loại thực vật và rễ lúa sử dụng oxy nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu oxy vào buổi sáng, nếu có hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng thì cần tiến hành trao đổi nước ngay. Thường xuyên theo dõi, phòng ngừa địch hại của tôm vì nuôi tôm trong ruộng lúa địch hại có thể ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ sống và năng suất của tôm.

Ngoài ra, phải cần thận trong việc phun thuốc trừ sâu cho lúa, rút hết nước trên ruộng lúa cho tôm xuống mương và tiến hành phun thuốc nhằm tránh thuốc rơi xuống mương, sau 2 – 3 ngày dâng nước lên để tôm trở lại ruộng ăn bình thường. Có thể hạn chế việc phun thuốc bằng cách sử dụng các loại thuốc ít độc với tôm và chọn các giống lúa kháng sâu rầy.

Cho hiệu quả, lợi nhuận cao

Tại xã Văn Khúc, nhiều diện tích đất trồng lúa 1 vụ đã được người dân tận dụng để phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh. Sau nhiều khó khăn, người nông dân đã làm chủ được kỹ thuật nuôi, giúp mang lại thu nhập lên đến hằng trăm triệu đồng. Những ngày cuối năm, nhiều người dân của xã đang tập trung kéo lưới thu những mẻ tôm cuối cùng còn lại trong ao và để chuẩn bị bước vào cấy lúa vụ chiêm xuân.

Theo người nuôi dự đoán, nếu giá thành ổn định ở mức 220.000 đồng/kg thì với khoảng 5 con tôm giống đến khi thu hoạch với sản lượng gần 1 tấn, sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng (khi đã từ mọi chi phí). Bên cạnh đó, ngoài tôm càng xanh, thì còn có các tôm nhỏ còn lại trong ao (khoảng 2 – 3 tạ) cũng được thương lái thu mua với giá 100.000 đồng/kg để làm mắm (mắm tôm đồng).


Tôm càng xanh nuôi trong đất lúa đạt hiệu quả cao, chất lượng tốt giúp bà con thu được lợi nhuận khá từ mô hình nuôi trồng xen canh này. Ảnh: nongnghiep.farmvina.com

Để vụ nuôi được thành công, mô hình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường, thời tiết, cách chăm sóc, phòng dịch bệnh, con giống…Ngoài ra, phải biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong quá trình nuôi. Kinh nghiệm từ những hộ nuôi, vào mùa đông lạnh, tôm rất dễ chết (mùa đông ở miền Bắc thông thường kéo dài tới 5 tháng). Do đó, người nuôi phải dùng ao sâu từ 2 – 3m nước, (lưu ý những hôm lạnh quá phải bỏ cho tôm ăn, nếu cố cho ăn, tôm ngoi mặt nước lạnh sẽ bị chết).

Thông tin từ UBND xã Văn Khúc, trên địa bàn xã hiên nay có khoảng 156 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có khoảng 50 ha nuôi tôm càng xanh, 3 ha nuôi ốc loa, còn lại là nuôi cá. Riêng sản lượng tôm ước đạt khoảng 60 tấn/năm, được thương lái đến tận nơi thu mua với giá dao động từ 220.000 – 230.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi tôm càng xanh đã cho thấy hiệu quả về kinh tế, hỗ trợ cơ hội việc làm và tăng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn. Mô hình được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh đầu tư thiết bị máy quạt nước tạo ôxy, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi và được huyện Cẩm Khê hỗ trợ về con giống, thức ăn.

Nhất Linh

Tepbac.com