Nam Định: Thu nhập 600 triệu đồng mỗi vụ nhờ nuôi tôm nhà bạt

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Khao khát làm giàu từ con tôm sạch, ông Trần Văn Huỳnh (Cồn Xanh, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm nay. Nhờ chăm chỉ, đến nay ông đã nắm trong tay cơ ngơi tiền tỷ, trở thành tỷ phú đồng quê.

Khu Cồn Xanh, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, ông Trần Văn Huỳnh và vợ là bà Nguyễn Thị Hiền được biết đến là một nông dân làm kinh tế giỏi, nuôi tôm giỏi, nuôi cá cũng giỏi.

Trang trại nuôi tôm của ông Huỳnh được quy hoạch một cách quy củ. Để làm được điều này, ông Huỳnh đã đổ rất nhiều mồ hôi công sức và vốn đầu tư

Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ hai bàn tay trắng giờ đây gia đình ông Huỳnh đã có “của ăn, của để” với khu trang trại tổng hợp rộng lớn đầy ắp cá, tôm mang lại kinh tế cao. Mỗi năm cho doanh thu từ nuôi tôm sạch, nuôi cá mú của gia đình ông Huỳnh lên tới hàng tỷ đồng.

Bật mí về bí quyết nuôi tôm thẻ chân trắng thành công, ông Huỳnh cho biết: Thời gian đầu, tôi đau đáu tìm hướng đi cho con tôm thẻ. “Gia đình tôi đầu tư khu nuôi tổng diện tích 1.500m2, chi phí khoảng 1,3 tỷ. Trước đây, khi mình nuôi ao đất, mấy năm đầu đất mới nhiều phèn chua nuôi rất khó khăn, rủi ro, hao đầu con. Thêm nữa, miền Bắc mưa gió, thời tiết khắc nghiệt nên hay xảy ra sự cố, thua lỗ nhiều. Sau khi chuyển đổi sang mô hình nuôi bể bạt, có mái che, tỷ lệ sống của tôm cao, nuôi bắt đầu có lãi”, ông Huỳnh cho hay.

Theo bà Hiền, để tôm thẻ chân trắng phát triển đồng đều, khỏe mạnh, người nuôi phải đảm bảo môi trường nuôi luôn sạch sẽ. “Nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải nắm chắc các yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đảm bảo được “3 sạch”, đó là tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch”, bà Hiền chia sẻ.

Bà Hiền đang cho tôm ăn

Bên cạnh đó, để nuôi được con tôm đạt năng suất và chất lượng thì từ nguồn nước, đến thức ăn, thuốc thú y… tất cả phải đều sạch, và có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, cần ghi chép nhật ký nuôi để theo dõi con tôm phát triển một cách kỹ lưỡng nhất, kịp thời can thiệp trong những trường hợp tôm gặp sự cố. Theo đó, ao nuôi được thiết kế lót bạt sẽ giúp quạt nước có vòng xoáy, lực ly tâm lớn hơn, dễ dàng đẩy những chất thải, xác tôm lột, phân tôm vào hố xi phông giữa ao. Việc vệ sinh ao nuôi được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Nền đáy ao được kiểm soát trong suốt vụ nuôi giúp giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc. Từ đó, giảm chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường, đảm bảo chất lượng nước ao nuôi cho tôm sinh trưởng và phát triển.

Phía trên ao nuôi phải có hệ thống mái che phù hợp với thời tiết từng mùa trong năm để hạn chế các loại động vật, côn trùng, bụi bẩn xâm nhập, ổn định nhiệt độ trong ao nuôi vào mùa đông… Điều này sẽ góp phần hạn chế mầm bệnh, khắc phục hiện tượng tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống.

Ngoài ra, lợi thế của nuôi tôm công nghệ cao là có thể nuôi với mật độ dày từ 300-400 con/m2. Tuy nhiên, phải phân bổ mật độ phù hợp với giai đoạn sinh trưởng phát triển của tôm.

“Thông thường khi mới xuống giống, gia đình sẽ nuôi ương tôm giống từ 25-30 ngày trong bể bạt, sau đó chuyển sang ao nuôi thứ 2 nuôi tiếp trong 30 ngày, rồi tiếp tục san tôm sang ao thứ 3. Sau khi tôm đạt kích cỡ 50-60 con/kg bắt đầu bán tỉa. Nuôi ba giai đoạn như vậy giúp tránh được rất nhiều rủi ro, hao hụt đầu con hầu như là không có. Đây cũng là sự khác biệt so với nuôi ao đất”, bà Hiền chia sẻ.

Theo bà Hiền, nếu nuôi theo hình thức truyền thống chỉ nuôi được 2 vụ/năm, nhưng khi nuôi công nghệ cao có thể nuôi thêm được tôm trái vụ (tôm vụ đông hoặc vụ 3), điều này giúp người nuôi gia tăng sản lượng. Đặc biệt, giá bán tôm trong vụ đông cao hơn rất nhiều so với 2 vụ chính.

Cụ thể, vụ Đông vừa rồi, sản lượng trung bình thu được từ 4-5 tấn. Với giá bán tôm trong vụ Đông từ 220.000-250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Huỳnh, bà Hiền thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Thời gian qua, Trung tâm Giống thủy hải sản Nam Định (Sở NN&PTNT) đã tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để sản xuất, cung ứng giống các đối tượng nuôi có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ đó góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Bích Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy hải sản Nam Định cho biết: Với mục tiêu đáp ứng tốt hơn nhu cầu nuôi thả của người dân trong và ngoài tỉnh, Trung tâm đã tập trung đầu tư, cải tạo cơ sở, trang thiết bị, nâng cao tay nghề cho kỹ thuật viên nhằm sản xuất được con giống chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hợp đồng với một số doanh nghiệp chuyên sản xuất tôm thẻ chân trắng giống như: Công ty TNHH Việt Úc, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để nghiên cứu, ứng dụng quy trình thuần hóa tôm thẻ chân trắng giống từ kích cỡ nhỏ (P8) lên kích cỡ lớn (P15), đảm bảo cân bằng các yếu tố môi trường trong bể ương và ao nuôi. Đây là bước quan trọng để nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống tôm thẻ chân trắng tại địa phương. Trong năm 2021, Trung tâm đã thuần hóa 4 triệu con tôm sú, 13 triệu con tôm thẻ chân trắng để cung cấp tôm giống cho các hộ nuôi trong vùng.

Bà Ân cho biết thêm: Trong năm nay, Trung tâm sẽ tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi thâm canh cá Hồng Mỹ; tăng cường hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật xử lý ao, chuẩn bị nước cấp, xử lý nước thải và chuyển giao công nghệ nuôi thủy sản, phương thức lắp đặt hệ thống dàn quạt tạo ô xy đúng quy cách tiêu chuẩn cho các hộ nuôi ở các huyện ven biển. Đẩy mạnh ứng dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng hóa chất”, “Nuôi tôm thẻ chân trắng chuyển giai đoạn” giảm chi phí xử lý môi trường nuôi, tăng năng suất và cho hiệu quả kinh tế cao; một số đề tài khoa học như: “Giải pháp tăng cường chủ động sử dụng sinh vật phù du làm thức ăn trong quá trình ương nuôi cá chép V1 từ giai đoạn cá bột lên cá hương”, “Sử dụng hệ thống đèn tia cực tím (UV) và hệ thống lọc âm trong xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm thâm canh tại Giao Thủy”…

Phạm Huệ