Nuôi tôm siêu thâm canh thân thiện với môi trường

Hiện nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo hướng thân thiện với môi trường đang được các HTX áp dụng theo hình thức khép kín. Để tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều HTX đã chú trọng đầu tư theo hướng công nghệ cao.

Theo Ban giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng ở thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao bắt đầu trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đi liền với năng suất tăng, giá trị kinh tế lớn là hiện tượng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do người dân chỉ chú tâm vào phát triển sản lượng mà quên đi công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước.

Đưa công nghệ vào sản xuất

Trước thực trạng này, ngay khi đi vào sản xuất, HTX Quyết Thắng đã chú trọng thiết kế ao nuôi có đáy phù hợp để thuận tiện cho việc thu gom chất thải của tôm bằng dụng cụ xi phông đáy. Cứ 2 giờ, cặn bã trong ao được hút một lần, nên nguồn nước nuôi tôm không còn cặn bã từ chất thải để lâu.

Không dừng lại ở đó, HTX còn đầu tư máy xử lý nước bằng tia cực tím, cấp nước trực tiếp cho ao nuôi tôm qua hệ thống ao lắng lọc và xử lý, giúp thành viên tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.


Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều HTX đã chú trọng đầu tư nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghệ cao.

“Việc xử lý nước nuôi tôm khiến chất lượng nguồn nước cấp toàn vùng đảm bảo, từ đó hạn chế dịch bệnh lây lan, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững”, Giám đốc HTX Nguyễn Kim Chuyên chia sẻ.

Về kỹ thuật, HTX áp dụng quy trình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn (ương và nuôi) theo công nghệ biofloc. Nhờ đó, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, không xuất hiện hội chứng tôm chết sớm, kích cỡ tôm lớn và hình thức đẹp. Đặc biệt, trong quá trình ương và nuôi, nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với nuôi thông thường.

Trong quá trình sản xuất, các thành viên luôn tìm tòi, nghiên cứu và đã cải tiến thành công chiếc bơm chìm thành máy phun nước, dùng vào mục đích hạ nhiệt độ nước trong ao nuôi tôm vào những ngày nắng nóng và giải phóng khí độc, giúp tôm nuôi sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch.

Nhờ chủ động trong sản xuất, HTX đã tăng lên ba vụ/năm, năng suất đạt 50-60 tấn/vụ/2ha nhưng vẫn bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước, tôm vẫn lớn nhanh, hoàn toàn không phải sử dụng kháng sinh, hóa chất.

Ts. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam đánh giá, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao có thể kiểm soát chu trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước giúp người nuôi đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, giảm dịch bệnh và nâng cao được sản lượng, chất lượng. Nuôi công nghệ cao, con tôm phát triển thông qua ứng dụng quy trình xử lý nước thải hiện đại, không sử dụng kháng sinh. Đây cũng là một trong những giải pháp phát triển mạnh nghề nuôi tôm.

“Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh cũng có những hạn chế nhất định. Theo ước tính, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao có vốn đầu tư cao, từ 1,2 tỷ đến 2 tỷ đồng/ha cho một khu nuôi hoàn chỉnh. Vì thế, không phải HTX nào cũng có thể thực hiện được mô hình này”, ông Nguyễn Việt Thắng chia sẻ.

Mang tính bền vững

Trong các mô hình hiện nay, nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội. Đây là mô hình có tỷ lệ thành công trên 70%, năng suất bình quân hơn 22 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm đảm bảo.

Việc khuyến khích các HTX đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo hướng công nghệ cao, bảo vệ môi trường đang ngày càng phát triển mạnh ở các địa phương ven biển trên cả nước.


Bằng công nghệ hiện đại, nhiều HTX đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kinh tế và bền vững đối với môi trường.

Để hạn chế những nhược điểm của cách nuôi tôm truyền thống, HTX Thuận Yên, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE với kinh phí lên đến 4 tỷ đồng/2ha.

Điểm nhấn trong mô hình này là HTX ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước (RAS). Với công nghệ hiện đại, toàn bộ quy trình lọc khép kín trong nhà màng sẽ xử lý nguồn nước thải đến khi đạt chuẩn, sau đó đưa trở lại bể nuôi. Còn lại, toàn bộ chất thải được thu gom và tái chế làm phân bón cho cây trồng.

Công nghệ này kiểm soát được chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật cũng như tỷ lệ oxy trong nước, từ đó giúp giảm thiểu hao hụt con giống và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước.

“Hệ thống xử lý nước tuần hoàn còn giải quyết được vấn đề nhân công, bởi từ khâu vận hành, điều khiển… hoàn toàn tự động, chỉ cần 1 nhân công cho suốt vụ nuôi. Các chỉ tiêu bền vững cũng được đánh giá tốt hơn so với quy trình nuôi truyền thống”, ông Ong Vĩnh Kim, Giám đốc HTX cho biết.

Nước sạch ngày càng khan hiếm nên việc chú trọng xử lý nước thải để nuôi tôm tại HTX Thuận Yên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bằng công nghệ hiện đại, HTX đã tái sử dụng nguồn nước nuôi trồng thủy sản, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kinh tế và bền vững đối với môi trường.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, TP Hà Tiên là địa bàn trọng điểm của tỉnh phát triển nuôi trồng thủy hải sản, nhất là con tôm. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tôm truyền thống, trải bạt xung quanh ao nuôi và đáy đất nhưng đa phần gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều mô hình HTX đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Điều này góp phần thay đổi tư duy trong nuôi tôm, đồng thời phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) Ts. Trần Phong chia sẻ, với sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền các cấp, các hộ nuôi tôm ngày càng ý thức hơn trong việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường sản xuất. Mặc dù chi phí đầu tư theo hệ thống nuôi kết hợp khu xử lý chất thải khá tốn kém nhưng người nuôi vẫn sẵn sàng chấp nhận vì lợi ích lâu dài của nghề tôm.

“Vì vậy, để hướng đến việc phát triển mang tính bền vững, hài hòa giữa việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh khuyến cáo để các HTX nhận thức rõ và đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng siết chặt quản lý về môi trường, xem đó như một giải pháp cần thiết để bảo vệ ngành nuôi tôm phát triển bền vững”, Ts. Trần Phong nhấn mạnh.

Hoàng Hằng

Vnbusiness