EMS và những điều cần biết trong nuôi tôm

Theo báo cáo của tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2018 sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới đạt 114,5 triệu tấn, trị giá 263,6 tỷ USD, mức cao nhất mọi thời đại. Sản lượng những loài động vật giáp xác đạt 9,4 triệu tấn, trị giá 69,3 tỷ USD, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 52,9%

Ảnh minh họa

EMS là gì?

Vào những năm 2009, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay còn được ghi nhận với tên gọi khác là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) lần đầu được phát hiện tại các trang trại nuôi tôm miền Nam Trung Quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trại tôm nuôi của vùng. Sau đó, bệnh được phát hiện lây lan sang các nước lân cận như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Qua nghiên cứu, người ta đã tìm ra được nguyên nhân gây bệnh là do dòng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, chúng có mặt ở khắp nơi trong môi trường nước nuôi.

EMS lây nhiễm cho con non của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng và tôm sú với tỷ lệ chết lên tới 100% trong vòng 10-35 ngày sau khi thả giống. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus được tìm thấy ngoài tự nhiên ở các vùng nước ven biển, cửa sông. Chúng chứa 2 gen độc hại – Pir A và Pir B. Các loại vi khuẩn khác như V.campbellii, V.harveyi, V.owensii V.punensis cũng được phát hiện chứa các gen độc hại và có thể gây ra EMS/AHPND. Trong điều kiện an toàn sinh học thấp, vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan giữa các ao và các trang trại lân cận qua nước thải.

EMS có thể được phát hiện bằng mắt thường qua các dấu hiệu bệnh lý như gan tụy nhợt nhạt, teo lại, vỏ mềm, ruột rỗng. Tuy nhiên, để xác định chính xác bệnh cần tiến hành kiểm tra mô học trong phòng thí nghiệm. Giai đoạn cấp tính, tôm nhiếm EMS sẽ có biểu hiện bong tróc các tế bào biểu mô hình ống trong gan tụy.

Các tế bào biểu mô hình ống trong gan tụy bị bong tróc được tìm thấy ở tôm thẻ chân trắng

Trại giống được xem là một trong những nguồn lây lan chính của EMS bởi những con tôm giống bị nhiễm bệnh. Điều này có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh sau khoảng 14 ngày sau khi thả giống. Bệnh cũng có thể lây lan qua lây nhiễm chéo, mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi qua các thiết bị, động vật ngoại lai, những yếu tố còn sót lại của vụ nuôi trước. Ngoài ra, tôm dễ bị mắc bệnh hơn trong những môi trường có các yếu tố sau:

  • Nước nuôi có độ dinh dưỡng cao từ việc bổ sung rỉ mật đường, thức ăn
  • Nước nuôi có nhiệt độ cao, độ mặn > 5ppt và pH>7
  • Lưu thông nước kém, đa dạng sinh học sinh vật phù du thấp
  • Tích tụ các chất cặn hữu cơ chẳng hạn như thức ăn thừa hay xác tôm …

Những tổn thất do EMS gây ra

Trong suốt 10 năm qua, ngành tôm châu Á đã chịu sự tàn phá nghiêm trọng do EMS gây ra. Thái Lan là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, trước đó Thái Lan được xét là quốc gia sản xuất tôm lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Sau khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh EMS đã kéo sản lượng tôm nuôi nước này xuống vị trí thứ sáu. Cụ thể, trong giai đoạn 2009 – 2014, tổng sản lượng tôm của Thái Lan giảm 54%, số lượng trại giảm 16% trong khi diện tích đất sử dụng để sản xuất tôm giảm 10%. Một báo cáo khác cho biết, giai đoạn 2010 – 2016, EMS đã gây tổn thất tài chính lên tới 11,58 tỷ USD ở Thái Lan và khiến hơn 10.000 người lao động mất việc làm.

Sản lượng tôm thẻ chân trắng bị giảm sút và những thiệt hại do EMS gây ra

Tại các quốc gia khác, tuy EMS không nghiêm trọng như Thái Lan nhưng cũng gây ra những tổn thất đáng kể. Ở Việt Nam, EMS đã gây thiệt hại 2,56 tỷ USD kể từ lần đầu xuất hiện vào năm 2011. Nhiều nước sản xuất tôm bị ảnh hưởng bởi EMS vẫn đang dần phục hồi và ở những nước chưa bị ảnh hưởng cũng đang chuẩn bị các biện pháp phòng tránh, ngăn chặn lây lan của nó.

Các phương pháp tối ưu giúp quản lý EMS

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp nào giúp giải quyết khắc phục nhanh chóng cho các trang trại nhiễm EMS. Bởi vậy, người nông dân cần có kế hoạch chuẩn bị và quản lý ao nuôi cẩn thận kỹ lưỡng. Trong trường hợp xấu nhất, người nuôi nên nhanh chóng thu hoạch tôm trong ao. Ngoài ra, các trại nuôi trong vùng cần có cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học và khử trùng kỹ lưỡng để quản lý dịch bệnh, tránh bùng phát trong tương lai.

An toàn sinh học là một khái niệm giúp ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua các ranh giới. Hai cách tiếp cận chủ đạo trong thực hiện an toàn sinh học là phòng ngừa và loại trừ mầm bệnh.

Chuẩn bị tốt cho chu kỳ sản xuất

  • PL cần có nguồn gốc từ tôm bố mẹ sạch bệnh. Kiểm tra sức khỏe PL trước khi thả giống, bao gồm cả các phương pháp xét nghiệm bệnh trong phòng thí nghiệm.
  • Khử trùng sạch sẽ các thiết bị trước khi bước vào vụ nuôi mới. Sử dụng các chất khử trùng loại bỏ các yếu tố trung gian truyền bệnh.
  • Ao nuôi thương phẩm nên được lót bạt nhựa DHPE để dễ vệ sinh và kiểm soát.
  • Phơi khô ao trước khi thả nuôi, điều hòa nước nuôi trước từ 10-15 ngày trước khi thả tôm.
  • Lên kế hoạch kỹ lưỡng cho các biện pháp an toàn sinh học cho vụ nuôi mới.
  • Bảo vệ trang trại khỏi các tác nhân, động vật bên ngoài xâm nhập. Đây có thể là một nguồn truyền lây dịch bệnh.
  • Để đồng đều, nên thả giống ở cùng một thời điểm. Nước nuôi nên có tỷ lệ Vibrio dưới 1 x 10^3 CFU/ml, tức là những loài này chiếm tỷ lệ dưới 1% tổng nồng độ vi khuẩn.

Giảm thiểu EMS trong quá trình nuôi

  • Thường xuyên theo dõi các thông số nước nuôi như pH, độ kiềm, độ mặn, oxy hòa tan (DO), nitơ amoniac và hydro sunfua.
  • Nên theo dõi sức khỏe tôm 3 ngày/lần bao gồm kiểm tra gan tụy và hoạt động của tôm.
  • Xem xét điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, tránh để thừa, thức ăn chứa hàm lượng protein trên 30% được khuyến nghị.
  • Hút các chất cặn, thải đáy ao thường xuyên.
  • Duy trì sục khí đều đặn.
  • Nên sử dụng probiotic tăng cường ở những nơi thường xuyên diễn ra căng thẳng cho tôm hoặc hoạt động thay nước.
  • Thống nhất đầu vào và đầu ra của nước thải với các trang trại trong khu vực để giảm thiểu việc truyền mầm bệnh.
  • Khi có dấu hiệu bệnh, cần có kế hoạch xử lý hợp lý, nên sử dụng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán đúng bệnh.

Giải pháp dài hạn – đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ

Đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp với trang trại sẽ giúp duy trì an toàn sinh học và phòng chống mầm bệnh tốt hơn. Trang thiết bị cần thiết cho việc duy trì an toàn sinh học trại nuôi bao gồm tấm lót HDPE, trạm rửa chân, tay, sát khuẩn trước khi vào trại, hàng lưới rào ngăn các yếu tố không liên quan xâm nhập vào trang trại. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng quan trọng khác bao gồm khâu đầu vào và đầu ra của nước nuôi, hệ thống thoát nước đặt ở tâm ao nuôi, hệ thống ao xử lý nước với thể tích ít nhất là 30% so với ao nuôi thương phẩm. Hệ thống sục khí mạnh, điều tiết dòng chảy tốt. Ngoài ra, nên có cơ sở lưu trữ và phòng thí nghiệm cơ bản tại chỗ để có thể thực hiện mổ khám cũng như kiểm tra các thông số nước cơ bản.

So sánh bố trí trang trại nuôi trước và sau khi dịch bệnh EMS bùng phát

Có thể nói, EMS là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng như đã được chứng minh ở Việt Nam và Thái Lan, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên đánh giá quản lý trang trại có thể giúp chống lại dịch bệnh hoặc làm giảm tác động của nó khi dịch bệnh xảy ra. Ngành công nghiệp tôm cũng cần có quan điểm chủ động phòng ngừa đối với EMS cũng như với tất cả các bệnh đã biết hay chưa biết. Bằng cách lập kế hoạch ứng phó cho những tình huống xấu nhất và quản lý trang trại một cách tốt nhất, người nuôi sẽ có nhiều cơ hội thành công cho một vụ nuôi, ngay cả với những vùng có tỷ lệ dịch bệnh cao.