Toàn cảnh biến động giá tôm năm 2020

[Người nuôi tôm] Năm 2020, được đánh giá là một năm đặc biệt khó khăn đối với ngành thủy sản Việt Nam khi dịch Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, thời tiết trong năm diễn biến cực đoan khiến hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng chịu những thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn gặt hái được những thành công nhất định.

Diễn biến giá tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg tại Cà Mau. Đvt đồng/kg. (Tổng hợp số liệu từ Cục Thống Kê)

Giá tôm “tụt dốc” vì đại dịch Covid-19

Đầu năm 2020, giá tôm tăng trưởng tốt do nhu cầu sử dụng tôm nguyên liệu cho các đợt lễ tết. Tại Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng loại kích cỡ 70 con/kg đạt khoảng 133.000 đồng/kg. Đây là mức giá được ghi nhận đạt trong khoảng đỉnh điểm của năm 2020. Báo cáo của Vietstock cho thấy, tháng 2/2020, hoạt động xuất khẩu tôm vẫn duy trì ổn định, có mức tăng trưởng nhẹ 3% so với cùng kỳ.

Theo thông tin và thống kê của VASEP, đầu tháng 3/2020 khi tình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bởi điều này đã khiến thị trường xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp gặp khó. Tỷ lệ tạm hoãn các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp khá cao. Cụ thể, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm khoảng 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng phải tạm hoãn theo yêu cầu của khách hàng là 20-40%, tỷ lệ đơn hàng bị dừng hoặc hủy là 20-30%. Hệ lụy kéo theo đó là sự sụt giảm liên tục về giá tôm nguyên liệu với mức dao động từ 20.000 – 70.000 đồng/kg khiến người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn.

Thông thường, kể từ tháng 3, vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm bắt đầu khởi động, vụ này thời tiết tương đối thuận lợi so với vụ II bắt đầu từ giữa cuối năm. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khiến nhu cầu tiêu thụ tôm giảm, dẫn đến giá bán tôm xuất khẩu và giá tôm nguyên liệu cũng giảm theo. Do đó, đa số các hộ nuôi tôm lúc này chậm tiến hành thả nuôi vụ mới hoặc thu hẹp diện tích. Ngoài ra, tại một số vùng ven biển ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… tình hình xâm ngập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng cũng là nguyên nhân gây nhiều khó khăn cho hoạt động nuôi tôm của nông dân.

Khủng hoảng giá tôm bắt đầu đạt đỉnh điểm vào giai đoạn cuối tháng 4, cụ thể tại Cà Mau ghi nhận, giá tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg giảm xuống mức thấp chỉ còn 78.000 đồng/kg. Thời điểm này, Việt Nam được coi là thành công trong việc khống chế dịch bệnh Covid-19, nhưng tại một số địa phương có hiện tượng tôm thẻ giống bán cho hộ nuôi kém chất lượng. Một số hộ nuôi gặp tình trạng tôm giống bị nhiễm bệnh vi bào tử trùng (EHP) dẫn đến tôm chậm lớn. Nguyên nhân được cho là lý do chính khiến giá tôm tiếp tục giảm sâu là bởi thị trường nhiều nước đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh Covid-19, các nhà kho đã tích trữ đủ lượng tôm cần thiết dẫn đến việc dư thừa. Dịch bệnh được dự đoán sẽ kéo dài, người dân bắt đầu thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm cho một đợt cách ly dài hơi. Diễn biến giá tôm nguyên liệu phụ thuộc rất lớn vào mức độ hồi phục nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Kiểm soát tốt Covid-19, EVFTA là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng giá tôm Việt Nam

Nhờ những chính sách và nỗ lực của Chính phủ, giúp kiểm soát tốt dịch Covid-19, khôi phục lại các hoạt động sản xuất nuôi trồng và xuất khẩu. Giá tôm đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, tháng 5/2020, giá tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg đã nhích dần lên đạt mức 102.000 đồng/kg tại Cà Mau và tiếp tục tăng lên mức 132.000 đồng/kg (loại kích cỡ 70 con/kg) trong tháng 6-7/2020. Lý giải về sự tăng giá giữa đại dịch là do tồn kho tại các thị trường lớn đã vơi dần, nhu cầu tiêu thụ tôm tại các nhà hàng, khách sạn giảm nhưng tăng tại siêu thị và hệ thống bán lẻ vì xu hướng mua về nhà chế biến trong thời kỳ dịch bệnh covid-19. Sản xuất tôm từ các nguồn cung chính của thế giới như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc công ty Cổ Phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), giá tôm tăng liên tục vào những tháng cuối năm là do cuối vụ và một phần do dịch bệnh nên sản lượng tôm ở Sóc Trăng nói riêng, ĐBSCL nói chung không còn nhiều, nguồn cung tôm nguyên liệu khan hiếm. Giá tôm tăng là tín hiệu mừng cho người nuôi tôm, nhưng số người nuôi tôm được hưởng lợi từ đợt tăng giá này không nhiều bởi đây là thời điểm cuối vụ.

Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định: “Nguồn cung tôm thế giới sau dịch Covid-19 có khả năng sẽ thiếu hụt, trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể bằng hoặc tăng 1-2% so với trước khi có dịch. Trong đó, 4 thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đang mạnh tay khôi phục kinh tế, đều là những thị trường chính của tôm Việt Nam”. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng tôm nguyên liệu cuối năm cho các dịp Giáng sinh, lễ tết cũng khiến giá tôm tăng cao. Hiệp định thương mại EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ 01/08/2020 cũng là một đòn bẩy cho sự phát triển hội nhập ngành tôm Việt Nam với thị trường quốc tế. Nâng cao giá trị và chất lượng con tôm Việt trên thị trường xuất khẩu.

Dự báo phục hồi cho ngành tôm

Năm 2020 có thể coi là một trong những năm khó khăn nhất của ngành tôm toàn cầu. Nhu cầu tôm giảm dẫn đến giá tôm rớt xuống thấp và nguồn cung ước tính giảm 10%. Theo dự báo của Rabobank, nguồn cung tôm được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2021 sau khi đã giảm trong năm 2020. Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, giá tôm sẽ cao hơn mức thấp kỷ lục vào năm 2020 và các nhà sản xuất tôm có khả năng đa dạng hóa thị trường trong năm 2021.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, sự chuyển hướng tiêu dùng sang lĩnh vực bán lẻ có nghĩa là nhiều hộ gia đình có điều kiện sẽ dự trữ và sử dụng tôm tại nhà thay vì đi ra ngoài hàng. Một số thị trường như Mỹ có thể đã tăng tiêu thụ tôm trong năm 2020. Hy vọng khi dịch vụ thực phẩm dần được cải thiện trong năm 2021, nhu cầu và giá tôm sẽ phục hồi, với chu kỳ sản xuất tương đối ngắn, các nhà sản xuất tôm có thể đáp ứng nguồn cung nhanh chóng và nguồn cung được kỳ vọng sẽ tăng 8% trong năm 2021.

Phạm Huệ

Theo tính toán của VASEP: Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 2,5 tỷ USD, tăng 5,7% trong khi xuất khẩu tôm sú đạt 532,6 triệu USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm thẻ chân trắng chiếm 72,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm (từ 70,1% của cùng kỳ năm ngoái), tôm sú chiếm 15,5% (từ 20,4% của cùng kỳ năm ngoái), còn lại là tôm biển. Năm nay, tỷ trọng tôm thẻ chân trắng tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm. Do dịch Covid-19 vẫn căng thẳng trên thế giới nên xu hướng tiêu thụ tại các thị trường vẫn tập trung vào tôm thẻ chân trắng, kích cỡ nhỏ cho phân khúc bán lẻ, các sản phẩm tôm chế biến sẵn được ưa chuộng hơn so với các sản phẩm tươi/sống/đông lạnh.