Ninh Bình: Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi cá chạch sụn ở Yên Hòa
Ninh Bình: Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi cá chạch sụn ở Yên Hòa

Mô hình nuôi cá chạch sụn của anh Hoàng Văn Cảnh ở xã Yên Hòa (Yên Mô)

Bắt tay vào nuôi thử nghiệm, các hộ đã tích cực nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc. Gia đình anh Hoàng Văn Cảnh là một trong 5 hộ tham gia thí điểm mô hình cho biết: Được Công ty cổ phần Vinceo và cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật xử lý ao, chăm sóc cá…, chúng tôi rất yên tâm. Cá chạch sụn là loài tương đối dễ tính và kỹ thuật nuôi không quá khó. Điều quan trọng là nguồn nước nuôi thả phải đảm bảo vệ sinh bởi chạch sụn là loài cá da trơn, có tập tính ăn nổi, nên nước ao nuôi phải sạch, thông thoáng mới đảm bảo để cá phát triển. Thông thường cứ 10-15 ngày lại thay nước cho ao nuôi hoặc bể nuôi để phòng, tránh dịch bệnh và không được nuôi thả ở mật độ quá dày. Chạch sụn cho thu hoạch 2 vụ/năm, với trọng lượng từ 20 – 25 con/kg.

Cùng tham gia thực hiện mô hình nuôi cá chạch sụn là ông Bùi Văn Trọng. Ông Trọng cho biết: Sau thời gian nuôi thí điểm, tôi thấy chạch sụn là loại cá dễ nuôi, tỷ lệ sống cao, nhanh lớn và cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại cá khác nên ngoài diện tích nuôi của gia đình (1.000m2), tôi quyết định thuê thêm 3.000m2 đất của các hộ trong xã để mở rộng quy mô. Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục được hỗ trợ của các cấp, các ngành trong chuyển giao tiến bộ KHKT và đặc biệt là đảm bảo ổn định đầu ra để người nông dân yên tâm sản xuất, phát triển mô hình.

Theo ước tính, trong vụ thu hoạch đầu tiên, các hộ nuôi cá chạch sụn ở Yên Hòa thu hoạch được gần 10 tấn với giá bán dao động từ 90.000 – 110.000 đồng/kg do Công ty cổ phần Vinceo trực tiếp ký hợp đồng và thu mua. Hiện nay trên thị trường, cá chạch sụn được người tiêu dùng ưa chuộng vì đây là một loại cá có thịt thơm ngon và bổ dưỡng.

Được biết, nhiều năm qua cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, xã Yên Hòa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa- cá. Do vậy, thành công bước đầu từ mô hình nuôi cá chạch sụn đã mở ra hướng đi mới cho vùng ruộng trũng ở địa phương. Hiện đã có một số hộ tiến hành xây dựng bể lót bạt hoặc bể xi măng để nuôi theo hướng công nghiệp. Ngay trong vụ mới này, xã Yên Hòa sẽ mở rộng diện tích nuôi thêm khoảng 5 ha. Tuy nhiên, trong phát triển mô hình, xã cũng khuyến cáo người dân tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT và sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, hướng tới xây dựng thương hiệu cho con nuôi. Có như vậy mới duy trì và phát triển bền vững mô hình.

Mai Lan
Nguồn: Báo Ninh Bình