Bệnh đỏ chân ở tôm thẻ nuôi nước ngọt

A. Tôm bị bệnh tự nhiên trong vùng dịch bệnh, B. Tôm được thử nghiệm với SHF1 phân lập. Các mũi tên cho thấy chân bơi và chân bò có màu đỏ.

Bệnh chân đỏ là một bệnh truyền nhiễm đặc trưng trên các loài động vật có chân bơi và chân bò, là mối đe dọa đối với ngành nuôi tôm công nghiệp với tỷ lệ tử vong lên đến 60%.

Vi khuẩn A. venetianus gây bệnh đỏ chân trên tôm thẻ nuôi nước ngọt

Bệnh đỏ chân trên tôm thẻ được gây ra bởi một số tác nhân như Vibrio anguillarum, Vibrio parahaemolyticus và Providencia rettgeri. Tuy nhiên, có rất ít báo cáo về A. venetianus một vi khuẩn gây bệnh chân đỏ ở tôm thẻ chân trắng nuôi trong nước ngọt.

Nghiên cứu thử nghiệm độc lực vi khuẩn bao gồm một nhóm chứng và bốn nhóm nghiệm thức tương ứng với 4 nồng độ khuẩn: 5×104, 5×105, 5×106, 5×107 cfu/ml. Tổng cộng có bốn dòng phân lập khác nhau từ gan tụy của tôm bị bệnh, được đánh số tạm thời từ SHF1 đến SHF4 và chỉ dòng SHF1 là trội nhất. Kết quả thí nghiệm dòng vi khuẩn SHF1cho thấy tỷ lệ chết tích lũy từ 13,3% đến 100% ở tất cả nhóm nghiệm thức với giá trị LD50 là 3,8×105 cfu/ml và có các dấu hiệu đỏ chân tương tự như ở tôm bị bệnh tự nhiên, phù hợp với các triệu chứng lâm sàng được báo cáo trước đây của bệnh chân đỏ.

Không tìm thấy ký sinh trùng trong tôm bị bệnh và tất cả tôm trong thử nghiệm, điều này cho thấy bệnh không phải do ký sinh trùng hoặc virus gây ra. Những phát hiện này đã chứng minh rằng SHF1 là tác nhân chính gây bệnh gây chết ở tôm trong thử nghiệm này. Giải trình tự gen 16S rRNA SHF1 cho thấy sự giống nhau đến 99% với chủng A. venetianus. Hơn nữa, SHF1 phân lập có cùng các đặc điểm kiểu hình với A. venetianus. Do đó, những dữ liệu này xác định SHF1 phân lập là A. venetianus.

Chi Acinetobacter đã được ghi nhận là vi khuẩn gây bệnh mới nổi trong nuôi trồng thủy sản và đã gây ra tử vong hàng loạt ở cá chép, cá trê, cá trôi ấn độ và cá mè trắng hoa nam. Trong nghiên cứu này, đã xác định được A. venetianus là mầm bệnh tiềm ẩn gây bệnh đỏ chân ở tôm thẻ nuôi nước ngọt, với giá trị LD50 là 3,8×105 cfu/ml, A. venetianus cũng có thể là mối đe dọa đối với việc nuôi tôm. Chắc chắn ngoài độc lực của vi khuẩn A. Venetianus, có thể còn các yếu tố thứ cấp khác gây ra bệnh này như amoniac, làm tăng tính nhạy cảm của tôm với các bệnh nhiễm khuẩn do suy giảm khả năng miễn dịch.

Hầu hết bệnh chân đỏ ở tôm được kiểm soát bằng kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và phổ biến đã gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho môi trường. Hiện nay, việc sử dụng chế phẩm sinh học được đề xuất nhiều như một chất thay thế tiềm năng cho kháng sinh để điều trị các bệnh do vi khuẩn trong nuôi trồng thủy sản.