Đánh giá tăng trưởng bù của tôm thẻ chân trắng trong hệ thống Biofloc

Tăng trưởng bù được định nghĩa là một quá trình sinh lý, trong đó sinh vật sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng sau một thời gian dài hạn chế tăng trưởng. Giai đoạn sống, điều kiện môi trường, mức độ nghiêm trọng và hạn chế thời gian cũng như cách sinh vật phản ứng sau khi điều kiện lý tưởng được cải thiện phục hồi sẽ thay đổi tùy theo loài.

Phục hồi tăng trưởng một phần và hoàn toàn của tôm sau thách thức về nhiệt độ, thức ăn

Sự tăng trưởng bù ở các loài thủy sản trong các điều kiện khác nhau bao gồm hạn chế thức ăn, thiếu oxy, mật độ và nhiệt độ cao, tiếp xúc nhiều với các hợp chất độc hại. Có các mức độ khác nhau theo phân loại dưới đây:

  • Bù đầy đủ (Full compensation): Động vật nuôi đã trải qua giai đoạn hạn chế đạt đến trọng lượng tương đương với động vật nuôi ở điều kiện bình thường.
  • Bù một phần (Partial compensation): Động vật nuôi đã trải qua giai đoạn hạn chế có tốc độ tăng trưởng nhanh và có thể có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt hơn trong giai đoạn phục hồi, nhưng không đạt được cùng trọng lượng so với động vật nuôi ở điều kiện bình thường.
  • Bù quá mức (Over compensation): Động vật nuôi đã trải qua giai đoạn hạn chế đạt trọng lượng cao hơn động vật nuôi ở điều kiện bình thường.
  • Không bù (No compensation): Động vật nuôi stress không phát triển nữa khi các điều kiện tối ưu được thiết lập lại.

Biểu đồ 1: Mô hình lý thuyết về tăng trưởng bù cho tôm thẻ chân trắng trong hệ thống biofloc

Việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong hệ thống biofloc đang phát triển mạnh, nhất là ở những vùng nuôi thường bị hạn chế sản lượng bởi yếu tố nhiệt độ, có mùa thu và mùa đông nhiệt độ xuống thấp. Bởi vậy, việc đánh giá sự tăng trưởng bù trừ sau khi thiết lập lại yếu tố nhiệt độ tối ưu cho loài sẽ cho phép những khu vực này nuôi hai vụ/năm trở lên.

Ngoài việc phát hiện ra sự tăng trưởng bù đắp do thay đổi nhiệt độ, việc đánh giá tác động của quá trình này liên quan đến quản lý thức ăn, bởi theo mô hình nuôi thâm canh, chi phí thức ăn chiếm 60% tổng chi phí vụ nuôi. Do đó, việc sử dụng hạn chế thức ăn như một tác nhân cho tăng trưởng bù, có thể coi là một chiến lược giảm chi phí và nhu cầu thức ăn cho tôm.

Một nghiên cứu đã được thực hiện tại Trạm thủy sản biển (EMA), thuộc viện Hải dương học tại Đại học Liên Bang Rio Grande miền Nam Brazil nhằm đánh giá sự tăng trưởng bù cho tôm thẻ chân trắng ở các mức nhiệt độ khác nhau và trong điều kiện hạn chế thức ăn ở 28oC.

Ảnh: Hệ thống nuôi biofloc tại Trạm Nuôi trồng Thủy sản biển (EMA), nơi lấy mẫu nghiên cứu

Thiết lập nghiên cứu

Tôm thẻ chân trắng nhỏ (trọng lượng ban đầu 1,78g ± 0,38) được thả lúc đầu với mật độ 300 con/m3. Toàn bộ nước nuôi được thêm 10% tổng thể tích nước giàu biofloc từ ao nuôi thương phẩm. Thí nghiệm được thiết lập bao gồm hạn chế nhiệt độ và thức ăn trong 65 ngày, được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn hạn chế và giai đoạn phục hồi.

Thí nghiệm 1: 3 nhóm đã được thiết lập (trong 3 lần), tôm được thí nghiệm ở 3 nhiệt độ (20, 24 và 28°C) trong giai đoạn 1 và sau đó, tất cả các nhóm thử nghiệm được đưa về 28°C trong 30 ngày (giai đoạn 2 – phục hồi).

Thí nghiệm 2: 3 nhóm đã được thiết lập (trong 3 lần): (1) Nhóm đối chứng, trong đó, tôm nhận được 100% thức ăn được trong toàn bộ thời gian thử nghiệm; (2) Nhóm hạn chế, trong đó, động vật nuôi chỉ nhận được 40% lượng thức ăn so với nhóm đối chứng trong 35 ngày đầu thử nghiệm (giai đoạn 1) và sau đó được cho ăn 100% như nhóm đối chứng (giai đoạn 2). Tất cả các nhóm thử nghiệm đều được duy trì ở nhiệt độ 28°C.

Trong cả 2 thí nghiệm tôm được cho ăn với chế độ ăn của tôm thương phẩm 38% protein 2 lần 1 ngày bằng khay cho ăn. Trong quá trình nghiên cứu, nhiệt độ nước, oxy hòa tan, độ mặn và pH được theo dõi hai lần một ngày. Tổng ammonia, nitrite và kiềm được theo dõi ba lần một tuần, trong khi nitrate, phosphate và tổng chất rắn được theo dõi mỗi tuần một lần. Duy trì độ kiềm 150mg/ và pH 7.2.

Kết quả thí nghiệm

Các thông số chất lượng nước – bao gồm nồng độ oxy hòa tan, độ mặn, pH, amoniac, nitite, nitrate, độ kiềm, tổng chất rắn lơ lửng và phosphate – được duy trì ở mức chấp nhận được đối với tôm thẻ chân trắng trong suốt nghiên cứu.

Thí nghiệm 1: tôm trong các nghiệm thức 20 và 24°C có trọng lượng cuối cùng thấp hơn đáng kể so với tôm trong điều kiện 28°C (Biểu đồ 2). Tỷ lệ sống giữa các nghiệm thức không có sự khác biệt đáng kể và tôm trong nghiệm thức 20 và 24°C cũng đạt tốc độ tăng trưởng hàng tuần cao trong giai đoạn phục hồi (Biểu đồ 3).

Thí nghiệm 2: vào cuối giai đoạn 1, tôm ở nghiệm thức 40% thức ăn có trọng lượng cuối cùng thấp hơn đáng kể và tỷ lệ sống sót không bị ảnh hưởng bởi hạn chế thức ăn. Vào cuối giai đoạn 2, các trọng số cuối cùng không có sự khác biệt đáng kể, cho thấy rằng việc bù đầy đủ đã xảy ra khi các điều kiện tối ưu được thiết lập lại.

Biểu đồ 2: Trọng lượng đầu tiên và cuối cùng của tôm giai đoạn 1 và 2 của các nghiệm thức 20oC, 24oC, 28oC

Biểu đồ 3: Tốc độ tăng trưởng hàng tuần (g/tuần) của tôm giai đoạn 1,2 của các nghiệm thức 20oC, 24oC, 28oC

Biểu đồ 4: Trọng lượng đầu và cuối của tôm giai đoạn 1 ,2  của nhóm đối chứng (đỏ) với nhóm hạn chế thức ăn (xanh).

Ở những vùng có khí hậu cận nhiệt đới hoặc ôn đới, nơi sản xuất tôm bị hạn chế bởi nhiệt độ thấp trong mùa thu và mùa đông có thể nuôi tôm thẻ chân trắng ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài với tốc độ tăng trưởng thấp và tăng trưởng từng phần hồi phục. Trong trường hợp này, tỷ lệ sống không bị ảnh hưởng và tôm đã bị hạn chế thức ăn sau đó thể hiện tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

Đối với việc hạn chế thức ăn, có thể giảm lượng thức ăn cung cấp trong thời gian tăng trưởng để giảm chi phí thức ăn và cải thiện chất lượng nước. Trong trường hợp này, tôm có thể cho thấy sự tăng trưởng bù hoàn toàn. Quá trình này được tạo điều kiện thuận lợi trong các hệ thống Biofloc – nơi tôm có nguồn thức ăn tự nhiên, bổ sung có sẵn 24 giờ/ngày, do đó làm giảm tác động tiêu cực của việc hạn chế thức ăn.

Ái Lam (Theo Aquaculture)