Ương dưỡng tôm giống trước khi thả nuôi: Giải pháp trong nuôi tôm vụ Đông

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Để khắc phục tình trạng hao hụt và tôm giống bị chết khi thả trực tiếp xuống ao nuôi. Hiện nay, hình thức ương dưỡng tôm giống trước khi thả nuôi đã được người dân áp dụng khá phổ biến. Đây là hình thức ương tôm siêu thâm canh 2, 3 giai đoạn, ương trong ao đất, ương trong hệ thống bể xi măng.  Đặc biệt, trong nuôi tôm vụ Đông điều này càng có ý nghĩa hơn, giúp rút ngắn thời gian nuôi bên ngoài để tránh được những bất lợi của thời tiết, đảm bảo hiệu quả vụ nuôi.

Hệ thống gièo nổi áp dụng ương tôm giai đoạn 1 trước khi đưa ra ao nuôi thương phẩm của anh Nguyễn Văn Hòa (Hà Tĩnh).

 

Nuôi tôm vụ Đông thường gặp nhiều khó khăn do nhiệt độ xuống sâu trong nhiều tháng khiến con tôm hạn chế bơi lội, thời gian sinh trưởng dài hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn, tác động đến nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm trong nước… làm con tôm khó thích nghi, tăng trưởng kém, miễn dịch giảm, tiềm tàng nhiều rủi ro, thiệt hại. Chính vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm là hết sức cần thiết, trong đó, ương dưỡng tôm giống trước khi thả ra ao nuôi được nhiều cơ sở nuôi áp dụng.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hòa, hộ có kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm ở xã Thạch Hạ, Thành phố Hà Tĩnh. Qua nhiều năm nuôi tôm, nhận thấy nếu tôm giống khi mới đưa về thả vào ao nuôi trực tiếp sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là tỷ lệ sống không cao, dịch bệnh rất dễ xảy ra. Nguyên nhân là do khi tôm giống mới xuất trại, còn nhỏ (Post 10 – Post 15) chưa thích nghi tốt với điều kiện sống rộng lớn của ao nuôi; lúc này, địch hại trong ao nuôi mặc dù được xử lý nhưng có thể còn khá nhiều, nếu thả ngay ra ao thì tôm rất dễ hao hụt. Đặc biệt, trong nuôi tôm vụ Đông, diễn biến thời tiết bất lợi làm các yếu tố môi trường biến động lớn. Ngoài ra, giai đoạn này tôm cần được chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn (thức ăn tự nhiên và bổ sung thức ăn công nghiệp), môi trường nước được duy trì ít biến động nhất,… Vì vậy, để giải quyết những khó khăn đó, anh Hòa đã đầu tư lại cơ sở nuôi và đã áp dụng hình thức nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn (1 giai đoạn ương và 2 giai đoạn nuôi). Giai đoạn 1 tôm giống được ương với mật độ 1.500 – 2.000 con/m2 trong gièo nổi có mái che và hệ thống sục khí hiện đại. Sau thời gian ương khoảng 20 – 25 ngày, tôm có kích cỡ 2.000-2.500 con/kg thì tiến hành đưa tôm vào ao nuôi giai đoạn 2, khi tôm đạt kích cỡ 700 – 800 con/kg có sức chống chịu tốt sẽ đưa ra ngoài ao nuôi thương phẩm.

Cũng theo anh Hòa, khác với vụ nuôi tôm Xuân – Hè, về mùa Đông, nhiệt độ, môi trường thường xuyên thay đổi, mức nhiệt luôn thấp hơn nên lượng cho ăn cần giảm và nên cho ăn bằng 70% so với vụ chính. Ngoài ra, cần bổ sung lượng khoáng nhiều hơn và phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để điều chỉnh phù hợp.

Nuôi tôm vụ Đông con giống phải đảm bảo từ post 12 – post 15

 

Không chỉ anh Nguyễn Văn Hòa mà đối với vụ Đông, tại Hà Tĩnh đã có nhiều cơ sở áp dụng biện pháp ương tôm giống trước khi thả nuôi thương phẩm và đã cho thấy hiệu quả mang lại.

Tại cơ sở nuôi tôm của HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân), là một trong những cơ sở đã thành công với quy trình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn. Theo như kinh nghiệm của ông Hồ Quang Dũng – Giám đốc kỹ thuật HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành chia sẻ, nuôi tôm vụ Đông yêu cầu con giống thả nuôi đảm bảo kích cỡ Post 12 – Post 15 và tốt nhất phân ra các giai đoạn để thuận tiện trong chăm sóc. Nếu ương tôm giống trước khi thả sẽ hạn chế rủi ro thường gặp ở giai đoạn đầu nuôi tôm thương phẩm như: sốc môi trường, địch hại, dịch bệnh, tôm giống yếu,… đây cũng được xem như là giai đoạn chúng ta thuần dưỡng tôm giống từ trại sản xuất thành tôm có kích cỡ lớn đã thích nghi với môi trường thực tế để đưa ra nuôi thương phẩm, từ đó rút ngắn được thời gian nuôi thịt và quản lý tốt hơn về thức ăn, tăng trưởng, tỷ lệ sống của tôm, hạn chế thay nước cũng như giảm thiểu được ô nhiễm môi trường ao nuôi.

“Thực tế những vụ nuôi vừa qua, nhờ áp dụng giai đoạn ương trước khi nuôi thương phẩm đã giúp tôm có tỷ lệ sống cao hơn và tăng khoảng  5 – 10% so với trước kia, tôm sinh trưởng phát triển tốt, kích cỡ đồng đều, ít dịch bệnh, giảm được chi phí nuôi và tăng hiệu quả sản xuất”, ông Dũng cho biết thêm.

Được biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 500ha diện tích đủ điều kiện để thả nuôi vụ Thu – Đông. Do thời vụ thả nuôi bắt đầu từ cuối tháng 8 đến tháng 2 năm sau thường phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến đổi phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường, ngành chuyên môn khuyến cáo chỉ nên nuôi quy mô ở các vùng tránh được lũ, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất.

Ngoài các yếu tố lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, thả nuôi mật độ phù hợp thì ngành chuyên môn cũng khuyến cáo bà con cần áp dụng phương pháp nuôi tôm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn ương dưỡng tôm giống trước khi thả nuôi là biện pháp giúp tăng tỷ lệ sống, đảm bảo tôm phát triển tốt, giúp tăng hiệu quả kinh tế người nuôi nên áp dụng. Bà con cũng cần chủ động các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ sản phẩm, công trình trong thời gian mưa lũ để vụ Đông giành được nhiều thắng lợi.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh