Tỷ phú nuôi tôm thâm canh mật độ cao


Nuôi tôm thâm canh mật độ cao đòi hỏi vốn cao, kỹ thuật cao, người nuôi cần thay đổi tư duy và cách làm mới so với cách nuôi truyền thống

Gần đây, phong trào nuôi tôm thâm canh mật độ cao trên địa bàn huyện Cầu Ngang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vụ nuôi năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá tôm giảm mạnh, làm cho không ít nông dân bị thua lỗ và giảm lợi nhuận.

Hiệp Mỹ Đông là một trong những xã vùng mặn có thế mạnh nuôi thủy sản. Năm 2021, xã có 4.439 hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển và cá các loại với tổng sản lượng 4.483 tấn, đạt 93,98% nghị quyết. Qua đó, có 2.197 lượt hộ nuôi đạt lợi nhuận. Chúng tôi có dịp gặp và trao đổi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi tôm thâm canh mật độ cao của những tỷ phú tôm vùng ngập mặn.

Nông dân Nguyễn Quốc Cường, ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang cho biết: những năm trước, phong trào nuôi tôm công nghệ cao bắt đầu nở rộ, ông đầu tư kết cấu hạ tầng và thiết kế ao hồ chuyển từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi thâm canh mật độ cao với diện tích canh tác 1,8ha. Năm đầu tiên, ông thả nuôi thử nghiệm 01 ao trên diện tích 3.500m2, do kinh nghiệm còn hạn chế nên thất bại.

Không nản lòng, ông tìm tòi, học hỏi từ những hộ nuôi khác kết hợp với kiến thức đúc kết từ hướng dẫn của cán bộ ngành chuyên môn cũng như hỗ trợ kỹ thuật của đơn vị cung cấp con giống, thức ăn, ứng dụng khoa học – công nghệ phục vụ vào việc nuôi tôm nên liên tiếp những vụ tiếp theo ông trúng đậm, lợi nhuận đạt từ 500 – 600 triệu đồng/năm.

Những năm sau, ông mạnh dạn mở rộng thêm 02 ao nuôi tương tự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ nuôi năm 2021, với 03 ao nuôi, ông thả 02 đợt/năm, mỗi đợt thả nuôi 600.000 con tôm thẻ chân trắng giống với tổng sản lượng đạt trên 33 tấn, tổng thu nhập 3,3 tỷ đồng, lợi nhuận trên 01 tỷ đồng. Năm 2022, ngoài diện tích trên, ông thuê thêm 01ha đất đầu tư nuôi tôm thâm canh mật độ cao. Hiện, ông đã sẵn sàng và chờ thời tiết, môi trường nước ổn định ông thả nuôi vụ mới.

Theo ông Cường, nuôi tôm thâm canh mật độ cao đòi hỏi vốn cao, kỹ thuật cao, người nuôi cần thay đổi tư duy và cách làm mới so với cách nuôi truyền thống. Đặc biệt, đầu tư trang thiết bị trong ao nuôi, trải bạt hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh, hệ thống xử lý nước thải cần xử lý kỹ và đầy đủ hơn so với ao nuôi truyền thống trước đây. Trong quá trình nuôi cấp thoát nước mỗi ngày, ở giai đoạn đầu, người nuôi cần bố trí liều lượng thức ăn đầy đủ, quan trọng bổ sung hàm lượng Vitamin C, men tiêu hóa và các loại thuốc, thức ăn có sức đề kháng cao giúp tôm nuôi phòng ngừa các loại bệnh thông thường, mau lớn và kháng được các loại bệnh nguy hiểm như hoại tử gan tụy.

Nuôi tôm mật độ cao cần đầu tư trang thiết bị trong ao nuôi, trải bạt hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh, hệ thống xử lý nước thải cần xử lý kỹ,… 

Khác với ông Cường, nông dân Nguyễn Văn Trãi, ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông ứng dụng công nghệ nuôi tôm thâm canh mật độ cao chia thành nhiều giai đoạn nhằm kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước như giai đoạn ương tôm giống, giai đoạn tôm nhỏ, giai đoạn tôm lớn… nhờ áp dụng phương thức chia tôm nuôi thành nhiều giai đoạn nên tôm nuôi luôn tránh được dịch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Trãi, với 1,4ha đất trước đây, ông nuôi tôm hình thức thâm canh (ao đất) những năm đầu lợi nhuận từ 100 – 200 triệu đồng/năm. Nuôi trong thời gian dài, đáy ao bị ô nhiễm, mang mầm bệnh, những ao nuôi không thành công ngày càng nhiều. Từ đó, ông tham quan nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ lót bạt đáy và nhận thấy mô hình nuôi mới này có thể kiểm soát được môi trường nước, dịch bệnh, quan trọng là tỷ lệ tôm sống khá cao trên 90% so với thiết kế ao nuôi đất.

Sau đó, ông mạnh dạn vay vốn chuyển sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao và đầu tư trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, ao nuôi, ao ương dưỡng tôm giống với tổng chi phí đầu tư ban đầu 1,2 tỷ đồng phục vụ 02 ao, bình quân 1.700m2/ao nuôi, thả nuôi 02 vụ/năm, mỗi vụ thả nuôi từ 500.000 – 600.000 con giống, lợi nhuận từ 600 – 700 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm nuôi tôm theo hướng công nghệ mới và điều chỉnh mô hình nuôi phù hợp với tình hình thực tế nên đạt hiệu quả cao.

Ông Trãi cho biết thêm: để giảm chi phí đầu tư con giống, kiểm soát được dịch bệnh, những năm gần đây ông đầu tư thiết kế ao ương tôm giống và chia tôm nuôi theo từng giai đoạn thuận lợi chăm sóc, quản lý môi trường nước và kiểm soát dịch bệnh. Vụ nuôi năm 2021, ông thả nuôi 02 đợt, sản lượng đạt 20 tấn, tổng thu nhập 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận gần 01 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 03 lao động, thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Vụ nuôi năm 2022, ông tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với các công việc như: vệ sinh, xử lý ao hồ, lắp đặt các thiết bị xử lý ao nuôi và nước thải. Vụ nuôi năm nay, tình hình thời tiết không ổn định, không đủ độ mặn nên ông chậm xuống giống hơn mọi năm. Vì vậy, gia đình ông cũng như các hộ nuôi tôm khác mong địa phương điều tiết hệ thống cống cấp thoát nước hợp lý để nông dân thả nuôi kịp thời vụ, tránh tình trạng tôm được mùa, rớt giá.

Mẫn Quân

Báo Trà Vinh