Trà Vinh: Xác định ngành thủy sản thế mạnh, giá trị sản xuất đạt từ 380 triệu đồng/ha
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh phấn đấu ngành thuỷ sản tăng trưởng từ 5%/năm trở lên, giá trị sản xuất đạt từ 380 triệu đồng/ha.

Tỉnh Trà Vinh xác định ngành thuỷ sản là một trong thế mạnh, tiềm năng của địa phương. Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, những năm qua tỷ trọng của ngành thuỷ sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng dần. Nếu như năm 2017, tỷ trọng ngành thuỷ sản chỉ chiếm trên 32% thì năm 2020 đã tăng lên 39%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 8,45%/năm. Giá trị sản xuất đã đạt 360 triệu đồng/ha. Đây là hướng phát triển đúng với định hướng của địa phương.

Nuôi tôm công nghệ lót bạt 3 giai đoạn tại tại thực nghiệm nuôi trồng thuỷ sản Trường đại học Trà Vinh. 

Trong lĩnh vực nuôi trồng, Trà Vinh đã rà soát xây dựng 4 vùng sản xuất và sản xuất giống thuỷ sản, xác định các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá lóc, nghêu,… Đặc biệt, đến nay Trà Vinh đã có gần 11.500ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh mật độ cao. Trong đó, nuôi thâm canh mật độ cao có diện tích 650ha, tập trung ở các huyện ven biển: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và thị xã Duyên Hải, năng suất bình quân từ 50 -70 tấn/ha.

Nói về lĩnh vực nuôi tôm của nông dân Trà Vinh thời gian gần đây, ông Lâm Duy Khoa, Giám đốc Chi nhánh Trà Vinh – Công ty tôm giống Dương Hùng cho biết: “Lĩnh vực nuôi tôm tại tỉnh Trà Vinh đang phát triển mạnh. Trong đó, gần đây phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao ao tròn trên cạn, năng suất và hiệu quả cao. Riêng các hình thức thâm canh, bán thâm canh khác cũng đang phát triển. Hiện nay nhu cầu mua tôm giống của Công ty mỗi ngày trên 1 triệu post”.

Đạt được những kết quả phấn khởi như trên, công tác nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ luôn được tỉnh quan tâm. Các ngành chức năng địa phương đã xây dựng mô hình sản xuất tôm sú giống chất lượng cao, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao và hoàn chỉnh 5 quy trình kỹ thuật ương nuôi ấu trùng thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao, sản xuất nghêu cám trên ao lót bạt, ương nghêu cám lên nghêu giống…

Ngành thuỷ sản ở Trà Vinh có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Trong đó, Trường đại học Trà Vinh là một trong những đơn vị có nhiều nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho người dân như thực hiện thành công đề tài nuôi tôm sú bố mẹ, chuyển giao khoa học nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao.

Tại trại thực nghiệm nuôi trồng thuỷ sản nước mặn của Khoa Nông nghiệp, thuỷ sản – Trường đại học Trà Vinh (tại ấp Ba Động, xã Trường Long Hoà, thị xã Duyên Hải) là đơn vị đầu tiên ở Trà Vinh thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn công nghệ lót bạt. Đây là một công nghệ nuôi phổ biến tại tỉnh Trà Vinh trong những năm gần đây.

Ông Diệp Thành Toàn, Phó trưởng Bộ môn thuỷ sản Khoa Nông nghiệp, thuỷ sản – Trường đại học Trà Vinh cho biết: Các đây 5 năm, thấy sự phát triển mô hình ở các tỉnh bạn, Trường đã cử cán bộ đến học tập về triển khai xây dựng. Bên cạnh đáp ứng nơi sinh viên thực tập thì mô hình này còn là điểm đến tham quan của rất nhiều hộ dân nuôi tôm vùng này. Mô hình được triển khai hiệu quả, đã thúc đẩy người dân mạnh dạn chuyển đổi đầu tư. Bởi mô hình quản lý tốt rủi ro cho tôm, tiết giảm chi phí chăn nuôi nhất là quản lý nước thải. Mùa nắng nóng mô hình vẫn được thực hiện tốt vì khu vực nuôi có mái che…

Tôm nuôi 2-3 giai đoạn quản lý tốt rủi ro, tiết kiệm chi phí mang lại hiệu quả cao

Ông Hồng Văn Tuấn ở ấp Ba Động, xã Trường Long Hoà, thị xã Duyên Hải cho hay, từ khi tham quan thấy sự hiệu quả của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ lót bạt ông đã mạnh dạn đầu tư 750 triệu đồng xây dựng 2 hồ nuôi, mỗi hồ 1.200m2.

Qua thực hiện ông Tuấn thấy mô hình dễ thực hiện, nhất là chăm sóc quản lý tôm từng giai đoạn đã giảm thiểu rủi ro, thất thoát, tiết kiệm tiền xử lý nước thải. Mùa nắng nóng, ao được phủ mái che giúp ổn định nhiệt độ nước. Ông Tuấn rất phấn khởi vì đã thu hồi vốn và có lãi ở vụ nuôi đầu tiên. Các vụ sau, tuỳ tình hình và giá cả thị trường nhưng vẫn có lãi từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/vụ. So với cách làm truyền thống trên ao đất, ông Tuấn cho biết hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu nâng cao tỷ trọng của ngành thuỷ sản lên 40% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng lên 67%, khai thác giảm xuống còn 33%. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành 5% trở lên và giá trị sản xuất đất và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đạt 380 triệu đồng/ha.

Để đạt mục tiêu đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp mà tiêu biểu là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung rà soát đánh giá, xác định bố trí vùng trồng, vật nuôi theo từng tiểu vùng gắn với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ.

(Theo nongnghiep.vn)