Tôm giống: Bao giờ cung mới gặp cầu?

[Người nuôi tôm] – Nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang bước vào chính vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2019, với nỗi lo thường trực là thiếu nguồn cung con giống, chất lượng vật tư, thuốc thú y thủy sản, thức ăn không đảm bảo chất lượng và nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong mùa nắng nóng kéo dài.

Tôm giống: Bao giờ cung mới gặp cầu?

Toàn vùng ĐBSCL hiện có hơn 670.000 ha diện tích mặt nước nuôi tôm nước lợ, với các hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và siêu thâm canh. Nhu cầu tôm giống thả nuôi khoảng 100 tỷ con/năm. Tuy nhiên, nguồn giống SX tại chỗ mới chỉ đáp ứng 40 – 50%, còn lại vẫn phải trông chờ nguồn nhập từ các tỉnh miền Trung, thậm chí nhập khẩu từ một số nước khác.

CHỜ TÔM GIỐNG TỈNH NGOÀI

Là tỉnh thả nuôi tôm nước lợ lớn tại ĐBSCL nhưng Kiên Giang đang rất yếu về khâu SX con giống. Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 146 cơ sở giống thủy sản, bao gồm 20 cơ sở giống tôm sú, 2 công ty SX giống tôm thẻ chân trắng, 1 cơ sở giống tôm càng xanh, 123 cơ sở SX giống cua biển và 185 cơ sở ương, dưỡng giống thủy sản.

Trong năm 2018 vừa qua, các cơ sở này đã  SX,  ưu  dưỡng  giống  thủy  sản  được 12,75 tỷ con giống, bao gồm 5,85 tỷ con tôm giống (chủ yếu là thẻ chân trắng), tôm càng xanh 6,5 triệu con, cua biển là 96,8 triệu con, ương dưỡng giống thủy sản khác là 6,895 tỷ con.

Trong các cơ sở tôm giống trên địa bàn Kiên Giang thì chỉ 2 đơn vị là Trung tâm Giống hải sản Phú Quốc (thuộc Cty BIM – Hạ Long) và Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam Chi nhánh Kiên Giang đã chiếm 1/2 sản lượng. Tuy nhiên, cả 2 đơn vị này điều nuôi tôm công nghiệp khá lớn tại Tứ giác Long Xuyên, nên gần như tự sản tự tiêu, không bán ra ngoài. Những cơ sở còn lại quy mô nhỏ, nguồn cung không đáng kể.

Theo kế hoạch, năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Kiên Giang là 249.850ha, sản lượng 243.000 tấn. Trong đó, riêng nuôi tôm nước lợ là 126.000ha, sản lượng 76.000 tấn.

Để đạt được kết quả trên, nhu cầu tôm giống để thả nuôi vào khoảng 13,4 tỷ con, trong đó giống tôm trong tỉnh ước đạt khoảng 5,7 tỷ con, còn lại là giống nhập ngoài tỉnh lên đến 7,7 tỷ con. Bên cạnh đó, nhu cầu của giống thả nuôi xen canh trong vuông tôm khoảng 300 triệu con, SX tại chỗ chỉ được 110 triệu con.

THỦ PHỦ”TÔM CŨNG GẶP KHÓ

Cà Mau được xem là “thủ phủ” tôm nuôi ĐBSCL, cung ứng sản phẩm ngành hàng tôm lớn nhất nước, với trên 280.000ha mặt nước nuôi tôm. Theo ghi nhận, thời điểm này nông dân các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân và Ngọc Hiển… đang tất bật cải tạo ao đầm như, sên vét, tháo nước, bón vôi để tạo môi trường nước thuận lợi, chuẩn bị vụ tôm mới.

Anh Trần Hoàng Kiên, người nuôi tôm công nghiệp, ngụ xã Hòa Tân, TP Cà Mau, thông tin: “Hiện tôi có 3 ao nuôi tôm công nghiệp, đã thu hoạch trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và đang bắt tay vào dọn dẹp, cải tạo lại ao nuôi. Tôi đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, đảm bảo nguồn nước sạch, đủ độ mặn để nuôi vụ mới. Chất lượng con giống quyết định thắng lợi vụ nuôi, nên tôi thường lấy giống ở các cơ sở uy tín. Vài ngày tới, con giống nhập từ Ninh Thuận về tôi sẽ thả giống để kịp vụ mùa.”

Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Khó khăn lớn nhất của địa phương là việc kiểm soát nguồn giống, thức ăn, thuốc, vật tư thủy sản. Địa phương đang tích cực phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để kiểm tra các mặt hàng thuốc, thức ăn, hóa chất, con giống tại các cơ sở kinh doanh trước khi tung ra thị trường”.

Theo ông Bằng, SX tôm giống nội tỉnh của Cà Mau không đáp ứng được nhu cầu người nuôi, nên nông dân vẫn phải trông chờ vào nguồn giống nhập từ miền ngoài về. Hiện tại, năng lực các cơ sở SX tôm giống nội tỉnh cao lắm chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu, còn lại nhập ngoài tỉnh, nên rất khó quản lý, kiểm soát.

Để đảm bảo chất lượng và mang lại hiệu quả cao, hướng tới Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau sẽ xây dựng các HTX, THT…, qua đó hướng đến mô hình SX theo chuỗi liên kết giá trị. Tỉnh đang quyết tâm giúp người dân áp dụng mô hình nuôi tôm theo chuỗi liên kết chuẩn đầu vào (giá thức ăn, con giống, thuốc…) phù hợp và đầu ra ổn định.

Tôm giống: Bao giờ cung mới gặp cầu?

HỘ NUÔI NHỎ LẺ THIỆT THÒI

Có một thực tế là hầu hết những công ty, đơn vị thả nuôi tôm lớn đều có cơ sở SX tôm giống của riêng mình. Và lẽ tất nhiên, họ có đủ máy móc cũng như nhân lực kiểm tra chất lượng tôm giống trước thả nuôi. Do đó, những lứa tôm chất lượng tốt nhất sẽ ưu tiên thả nuôi công nghiệp. Còn lại những lứa “vớt vát” sẽ bán ra cho các hộ nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu mua tôm giống bằng cảm quan là chính.

Ông Huỳnh Văn Lức, ngụ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Sau tết là thời điểm nông dân cải tạo lại ao đầm để thả nuôi vụ tôm mới. Hiện gia đình tôi có khoảng 1ha đất nuôi tôm kết hợp trồng lúa, những ngày qua, nhu cầu lao động cải tạo vuông nuôi tăng cao, nên nguồn lao động khan hiếm. Do đó, giá cả thuê mướn lao động có tăng nhẹ”.

Theo ông Lức, trung bình mỗi ha vuông tôm, thuê người để sên vét, ông phải trả công hơn 2,5 – 3 triệu đồng. Do chỉ canh tác, nuôi tôm theo hình thức quảng canh, nên việc cải tạo ao đầm tương đối dễ dàng, ít tốn sức hơn nuôi tôm công nghiệp. Nhu cầu con giống tăng cao, kèm theo đó là chất lượng con giống cũng không được xem trọng, từ đó nhiều hộ nuôi tôm mua con giống trôi nổi, tại các cơ sở SX giống nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn hất lượng, nên mất mùa triền miên. Thậm chí, có hộ rơi vào nợ nần, thất bát.

Ông Võ Trường Giang, ngụ xã Hòa Thành, TP  Cà  Mau,  than  thở: “Gần  đây, nuôi tôm kém hiệu quả, ngoài canh tác khoảng 1ha đất nuôi tôm, tôi còn tranh thủ thời gian đi làm thuê, kiếm thêm thu nhập”. Nói về lý do mất mùa, ông Giang cho biết, ông lấy giống tại một vài cơ sở địa phương, đến tận nhà chào hàng, thấy tiện lợi nên mua về thả nuôi.

“Thấy giá rẻ, lại được giao tận nơi, nên tôi thấy thuận tiện mua thả nuôi. Nhưng đến ngày thu hoạch, thì chẳng thấy gì, chỉ thấy thất vọng”, ông Giang ngậm ngùi.

Đ.T.Chánh