Thủy lợi, môi trường và tính bền vững của ngành tôm

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ về giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, quy trình nuôi… những mô hình nuôi tôm với mật độ dầy hơn, tỷ lệ thành công cao hơn cũng lần lượt ra đời, giúp ngành tôm không ngừng phát triển. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng về tỷ lệ thành công cao, năng suất vượt trội… của nghề nuôi tôm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường, nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả ngay từ bây giờ.

Tại các hội nghị, hội thảo chuyên đề về ngành tôm thời gian gần đây, một trong những vấn đề được các nhà khoa học, nhà quản lý và người nuôi tôm quan tâm là làm sao bảo vệ được môi trường vùng nuôi để đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả và bền vững. Tại hội thảo “Phát triển mô hình lúa thơm – tôm sạch vùng Mê Kông” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào ngày 10-2, khi nói về những khó khăn, thách thức của ngành tôm, hầu hết đại biểu đều có chung nhận định: “Cái khó lớn nhất của nghề nuôi tôm hiện nay là môi trường. Do đó, vấn đề kiểm soát môi trường là rất quan trọng cần được quan tâm trong bối cảnh các mô hình nuôi tôm thâm canh lót bạt 2 – 3 giai đoạn, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao… ngày càng phát triển”.

Hệ thống thủy lợi vùng nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng thường xuyên được nạo vét nhằm đảm bảo mục tiêu cấp, thoát nước. Ảnh: TÍCH CHU

Nếu như trước đây chỉ có tình trạng bơm bùn ra sông rạch, thì ngày nay còn có thêm tình trạng xả thải (chất thải và nước thải nuôi tôm – NV) chưa qua xử lý từ các mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Số diện tích này hiện chưa lớn, nhưng lượng xả thải là không nhỏ qua hệ thống xiphông đáy ao mỗi ngày. Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm trong mục tiêu phát triển ngành tôm hiệu quả và bền vững. Thực tế cho thấy, ngoài số trang trại của hộ nuôi, hay doanh nghiệp có diện tích và quy mô lớn có xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải; có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được quản lý chặt chẽ từ ngành chức năng, còn lại phần lớn nguồn xả thải từ nghề nuôi tôm là rất khó kiểm soát. Hiện nay, số diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh tuy chưa phải là lớn nhưng do phân tán rải rác khắp các vùng nuôi, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất cao và một khi phát sinh dịch bệnh sẽ rất khó xử lý.

Với tỷ lệ thành công rất cao từ mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 – 3 giai đoạn, những năm gần đây, xu thế chuyển đổi sang mô hình này tại các tỉnh nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… đang ngày càng gia tăng. Có mô hình diện tích vài trăm hécta nhưng cũng có những mô hình thuộc dạng mini, diện tích đôi khi chỉ vài trăm mét vuông cũng có thể thực hiện được và phần lớn là nằm đan xen trong các vùng nuôi khác, nên việc quản lý nguồn xả thải là hết sức khó khăn. Còn tại Sóc Trăng, nơi có diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh lớn nhất nước cũng đang gia tăng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với đủ các cấp độ, nên vấn đề quản lý nguồn xả thải cũng đang được ngành chức năng và địa phương đặc biệt quan tâm để đảm bảo cho ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững.

Trước thực trạng trên, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương vùng nuôi tôm đồng bằng sông Cửu Long đều có chung kiến nghị cần sớm có giải pháp xử lý triệt để công tác môi trường vùng nuôi tôm ngay từ bây giờ để đảm bảo an toàn cho người nuôi tôm ở hiện tại lẫn lâu dài. Một trong những giải pháp được đề xuất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ các địa phương để sớm hoàn thiện quy hoạch vùng nuôi thâm canh, siêu thâm canh và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đủ sức phục vụ cho những vùng nuôi này. Hiện các doanh nghiệp chế biến rất muốn xây dựng vùng nuôi riêng theo chuẩn quốc tế nhưng lại khó tìm được diện tích đất phù hợp. Nguyên nhân là do hầu hết các tỉnh chưa xây dựng được vùng nuôi thâm canh, siêu thâm canh tập trung với đầy đủ quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh phù hợp với từng mô hình, bởi môi trường có liên quan mật thiết với điều kiện cơ sở hạ tầng trong khi hạn chế lớn nhất trong phát triển nghề nuôi tôm là điều kiện hạ tầng, nhất là thủy lợi hầu hết còn chắp vá, nên việc giải quyết môi trường càng thêm khó, ảnh hưởng đến tính bền vững của nghề nuôi.

Đồng tình với nhận định cũng như các đề xuất, kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thừa nhận cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng yêu cầu, mầm bệnh còn lưu hành cộng thêm thời tiết thất thường làm cho tôm nuôi ở các mô hình cấp thấp rất dễ thiệt hại. Vì vậy, tới đây Bộ sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về hạ tầng nuôi tôm để có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Hạ tầng mà chủ yếu là thủy lợi và môi trường là 2 vấn đề quan trọng nếu không sớm được giải quyết tốt thì sẽ rất khó cho ngành tôm cả trước mắt lẫn lâu dài”.

TÍCH CHU