Thiếu kinh phí quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản

Việc đánh giá môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) có vai trò quan trọng, giúp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi… góp phần mang lại hiệu quả trong NTTS.

Năm 2021, hồ nuôi tôm hơn 3.000m2 của ông Võ Xuân Hựu, ở tổ dân phố Hải Môn, phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ), được ngành thủy sản đến lấy mẫu nước về xét nghiệm. Kết quả hồ bị ô nhiễm carbon hữu cơ; độ pH, kiềm, NH3, colifom và vi khuẩn vibrio đều vượt ngưỡng cho phép. Chi cục Thủy sản tỉnh đã hướng dẫn ông Hựu sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, hạn chế ô nhiễm các chất hữu cơ và khí độc trong ao. Đồng thời, khử trùng nguồn nước bằng các hóa chất diệt khuẩn được Tổng cục Thủy sản cho phép sử dụng như iodine, chlorine… để diệt mầm bệnh trước khi cấp vào ao nuôi.

Quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản giúp kịp thời phát hiện, xử lý mầm bệnh để việc nuôi trồng đạt hiệu quả. Trong ảnh: Một hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn).

Ông Hựu cho biết, tôi đã làm theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh, nhờ đó đảm bảo chất lượng nước của hồ, giúp tôm sinh trưởng tốt, đạt thu nhập khá. Tôi thường xuyên theo dõi nguồn nước cũng như con giống, nhưng chỉ đánh giá được một số chỉ tiêu phổ biến như độ pH, nhiệt độ, độ mặn… chứ không đánh giá đầy đủ như khi thực hiện quan trắc.

Toàn tỉnh hiện có 1.561,7ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có khoảng 580ha nuôi nước lợ, 160 nghìn mét khối lồng nước mặn và 936,5ha nước ngọt. Năm 2022, kinh phí phân bổ cho công tác quan trắc môi trường NTTS là 231 triệu đồng, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ thực hiện quan trắc 6 tháng cho 2 vụ nuôi chính theo lịch thời vụ của tỉnh.

Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến việc NTTS. Với chương trình quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nuôi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh lấy mẫu nước để đánh giá môi trường, phát hiện các yếu tố gây bệnh cho thủy sản nuôi như đốm trắng, đốm đen, hoại tử gan tụy cấp… từ đó đưa ra khuyến cáo để các hộ dân NTTS có hướng ứng phó phù hợp.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết, năm 2021, chi cục đã thực hiện quan trắc môi trường ở 11 điểm nước cấp và nước ao nuôi ở các địa phương trong tỉnh, với 17 chỉ tiêu đánh giá. Qua đó, kịp thời cảnh báo để các hộ dân NTTS chủ động quản lý chất lượng nước, kiểm soát tốt dịch bệnh để đạt hiệu quả trong NTTS.

Tuy nhiên, công tác quan trắc môi trường NTTS ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn. Việc phân tích môi trường chỉ thực hiện đối với diện tích NTTS nước lợ và nước mặn được thực hiện 1 lần/tháng (các tháng trong vụ nuôi trồng), còn với diện tích nuôi trồng nước ngọt chưa được thực hiện.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, để đảm bảo chất lượng cũng như số lượng trong việc thực hiện quan trắc môi trường NTTS toàn tỉnh, kinh phí cần khoảng 400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, kinh phí bố trí hằng năm cho công tác quan trắc môi trường NTTS còn thấp. Đơn cử như năm 2021, chỉ bố trí 90 triệu đồng, vì vậy ngành chức năng chỉ thực hiện quan trắc được trong 3 tháng (một vụ nuôi). Đồng thời, tần suất quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường 1 lần/tháng cũng chưa đảm bảo so với quy định của Bộ NN&PTNT.

Do không có phòng thí nghiệm để xét nghiệm các yếu tố môi trường, nên ngành thủy sản tỉnh phải phối hợp với công ty công nghệ để thực hiện phân tích mẫu. Ngoài ra, tỉnh ta cũng chưa có cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường nuôi thủy sản để truy cập, lưu giữ, phân tích… “Rất mong trong thời gian tới, nguồn kinh phí cho công tác quan trắc môi trường NTTS được quan tâm hơn, để có thể phục vụ hiệu quả cho tất cả các loại hình NTTS trên địa bàn tỉnh”, bà Thu Đông kiến nghị.

PV

Baoquangngai.vn