Thiếu hụt nguồn cung giống tôm thẻ chân trắng chất lượng cao

Tôm giống đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định thành công hay thất bại đối với người nuôi. Có nguồn giống sạch để thả nuôi xem như kết quả đạt được từ 70-80%”.

Năm 2020 là năm có nhiều thay đổi khó khăn và thách thức đối với người nuôi tôm nói chung và tôm thẻ chân trắng  (TTCT) nói riêng. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, diễn biến thị trường phức tạp, và một nguyên nhân quan trọng nữa đó là khâu chất lượng tôm giống chưa đảm bảo dẫn đến hiệu quả nuôi trồng không cao. Thực tế cho thấy, chất lượng con giống quyết định hơn một nửa thành công cho vụ nuôi tôm. Tại tất cả các vùng miền trên cả nước, chất lượng tôm giống vẫn luôn là chủ đề “nóng” khi hàng loạt vùng nuôi tôm tiếp tục gặp rủi ro, dịch bệnh.

Chưa chủ động được nguồn giống bố mẹ

Chất lượng tôm bố mẹ là yếu tố then chốt quyết định chất lượng con giống. Mỗi năm nước ta cần 100 tỷ TTCT. Để sản xuất đủ lượng giống nói trên cần 180.000 TTCT bố mẹ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống tôm bố mẹ, nguồn tôm bố mẹ của TTCT chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Tỉnh Ninh Thuận nơi được coi là “thủ phủ” tôm giống của cả nước, nơi quy tụ những đơn vị sản xuất giống thủy sản hàng đầu nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn tôm giống bố mẹ từ Mỹ, Thái Lan.

Tôm bố mẹ được nhập khẩu vào Việt Nam đều được chứng nhận đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, tuy nhiên tình trạng tôm bố mẹ chất lượng chưa ổn định vẫn xảy ra khá phổ biến, nhất là với TTCT, bởi rất khó kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ từ nước xuất khẩu.

Mỗi năm, nước ta nhập khẩu từ 200.000- 250.000 tôm giống bố mẹ (khoảng 90% ngoại nhập).Thời điểm khan hiếm, những đầu mối nước ngoài thường ưu tiên bán cho những đơn vị thu mua với giá cao hơn dẫn đến việc nguồn cung không đảm bảo. Do ảnh hưởng từ dịch bệnh nên thời gian qua việc nhập khẩu nguồn tôm bố mẹ để sản xuất giống bị hạn chế, trong khi nhu cầu thả nuôi tăng cao, nguồn cung đạt chất lượng thiếu hụt nghiêm trọng khiến cho người nuôi tôm gặp vô vàn khó khăn.

Để giải quyết được căn cơ vấn đề cần giải quyết bài toán sản xuất được tôm bố mẹ trong nước, thông qua nghiên cứu gia hóa và chọn giống tôm bố mẹ. Làm được điều này sẽ làm giảm lệ thuộc vào nguồn tôm nhập khẩu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh về chất lượng, giá cả, góp phần phát triển nghề nuôi TTCT bền vững ở Việt Nam.

Chất lượng tôm giống vẫn đang phụ thuộc vào “lương tâm” của các nhà sản xuất giống

Ở nước ta hiện có khoảng 2.500 cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống, với số lượng cơ sở sản xuất TTCT khoảng 561 cơ sở. Số lượng con giống mỗi năm ước tính hơn 130 tỷ con, trong đó TTCT chiếm khoảng 100 tỷ con. Vào thời điểm này, nhu cầu thả nuôi trong dân rất lớn, diện tích thả nuôi tính đến hết tháng 6 ước đạt 612 nghìn ha (đạt 84% so với kế hoạch 2020), trong khi việc chủ động tôm bố mẹ theo quy định để sản xuất được chỉ được thực hiện trên một vài doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp cũng cho biết, trong hơn 130 tỷ tôm giống được sản xuất ở nước ta mỗi năm, nguồn giống đảm bảo chất lượng cao đạt chưa tới 50% .

Hiện do vấn đề chất lượng nguồn giống không đảm bảo  nên nhiều hộ nuôi tôm chưa thể thả nuôi đồng loạt. Khi thiếu giống, các cơ sở nhỏ lẻ chưa chủ động được nguồn giống nên có thể sẽ bắt những nguồn tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc để đưa vào sản xuất. Điều này dẫn đến việc tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang xuất hiện tràn lan. Đây là một thực trạng cần phải tập trung kiểm soát kỹ lưỡng. Thực tế, trên nước ta có hàng ngàn cơ sở sản xuất và ương giống tôm, dẫn đến việc rất khó để quản lý và kiểm soát về chất lượng.

Việc sử dụng  nguồn giống trôi nổi, mắc các mầm bệnh sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi tôm. Tôm giống không đảm bảo và không đồng đều về chất lượng sẽ khiến tôm tăng trưởng kém, không có sức chống chịu với bệnh tật và các yếu tố môi trường bất lợi. Điều này kéo theo việc đe dọa nghiêm trọng đế nguồn tôm nguyên liệu xuất khẩu.

Thị trường tôm giống sôi động, kéo theo nhiều góc khuất khó quản lý như có những doanh nghiệp nhỏ lẻ thu gom tôm giống tràn lan từ các cơ sở sản xuất khác nhau rồi đóng gói bao bì nhãn mác. Tôm giống lọt lưới kiểm dịch, tuồn vào chợ tôm là thực tế tồn tại suốt nhiều năm qua, khiến người nuôi tôm lo lắng về chất lượng tôm giống thật, giả lẫn lộn. Không ít hộ mua tôm giống kém chất lượng nên quá trình nuôi không hiệu quả, nhất là đối với loại hình nuôi tôm công nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người nuôi tôm.

Thực tế, con giống không đảm bảo chất lượng đã khiến các hộ nuôi tôm gặp rủi ro trong quá trình sản xuất. Cụ thể từ đầu vụ nuôi 2020 đến nay, nhiều hộ nuôi tôm trên khắp cả nước bị thiệt hại do nuôi tôm chậm lớn, dịch bệnh. Vừa qua tại Bạc Liêu, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành kiểm tra, kiểm dịch 48 xe vận chuyển tôm giống nhập tỉnh và tiến hành tiêu hủy 5 lô tôm bố mẹ với 1.680 con không đạt chất lượng.

Công tác quản lý tôm nước lợ ở các địa phương ven biển đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy việc quản lý sản xuất, lưu thông tôm giống vẫn còn một số bất cập như một số cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống nước lợ không đủ điều kiện vẫn được cấp Giấy Chứng nhận kiểm dịch, sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng cho sinh sản. Giống TTCT chưa kiểm dịch vẫn được vận chuyển, lưu thông trên thị trường. Việc sử dụng các nhãn hiệu, bao bì giả vẫn tràn lan, các điểm giao dịch tập trung/ chợ tôm vẫn phát hiện giống TTCT không đảm bảo chất lượng và kích cỡ theo quy định.

Siết chặt quản lý tôm giống

Nhằm triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 về kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành Tôm Việt Nam đến năm 2025. Để đảm bảo nguồn tôm giống có chất lượng đưa ra thị trường đáp ứng nhu cầu thả nuôi và bảo vệ quyền lợi cho người dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển về việc triển khai thực hiện một số nội dung nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát giống TTCT.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020 của Chính phủ và văn bản số 302/TCTS-PCTTr ngày 25/2/2020 của Tổng cục Thủy sản, “Buộc tiêu hủy giống động vật thủy sản đối với hành vi vận chuyển giống thủy sản không có Giấy chứng nhận kiểm dịch”. Các địa phương trọng điểm về sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ, như: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ trên địa bàn; xử lý nghiêm cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, hết thời hạn sử dụng cho sinh sản.

Các địa phương có điểm giao dịch tôm giống nước lợ tập trung/chợ tôm, như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, ngoài việc kiểm tra Giấy Chứng nhận kiểm dịch, phải kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm giống để bảo vệ quyền lợi cho người nuôi. Cùng đó, chỉ đạo cơ quan thủy sản rà soát, thống kê cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản chưa được cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện theo quy định của Luật Thủy sản, chia sẻ thông tin với cơ quan thú y trong quá trình thực hiện đăng ký kiểm dịch tôm giống; gửi thông tin về Tổng cục Thủy sản để phối hợp quản lý và xử lý theo quy định.

Trong các tháng cuối năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giống thủy sản tại các địa phương; thường xuyên phối hợp với đơn vị liên quan, các địa phương để thanh tra, kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, ương dưỡng và vận chuyển tôm giống, cương quyết xử lý các vi phạm quy định về quản lý giống thủy sản.

Tới đây, việc ký kết hiệp định thương mại EVFTA  giúp đưa thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế về 0%. Đây là một điều kiện thuận lợi, một cơ hội mở với người nuôi tôm Việt Nam. Chính vì thế, thời gian tới ngành tôm sẽ cần đảm bảo được nguồn cung tôm nguyên liệu.Vậy nên, muốn nghề nuôi trồng tôm phát triển bền vững cần phải quản lý chặt chẽ việc sản xuất tôm giống, nhất là nguồn gốc tôm bố mẹ.

P.H