Thị trường tôm Việt Nam: Thách thức và sự bức phá

Trải qua những năm phát triển đầy ấn tượng, ngành công nghiệp tôm Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thị trường toàn cầu.

Thị trường tôm năm 2023 đối mặt với những thách thức đáng kể

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thị trường tôm năm 2023 đối mặt với những thách thức đáng kể. Sự biến đổi khí hậu, tác động của dịch bệnh trong ngành, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Ecuador,… đều là những yếu tố đang tạo nên bức tranh phức tạp mà ngành công nghiệp tôm Việt Nam phải đối mặt.

Để hiểu rõ hơn về tình hình thị trường tôm Việt Nam vào năm 2023, chúng ta cần xem xét những thách thức còn phải vượt qua. Từ đó, ta có thể định hướng và đề xuất các biện pháp phù hợp để đảm bảo bền vững cho ngành công nghiệp tôm trong tương lai.

1. Thị trường tiêu thụ tôm trên toàn cầu đang chững lại

Tại hội thảo quốc tế về ngành tôm năm 2023 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/8, ông Willem van der Pijl – một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tôm và là nhà sáng lập của Shrimp Insights cho biết dù tình hình tiêu thụ có có dấu hiệu tốt hơn trong nửa cuối năm nhưng sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn sẽ giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Dựa trên những số liệu liên quan đến xuất khẩu, ông Pijl dự báo rằng sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay ước tính sẽ đạt khoảng 320.000 tấn.

Trong năm nay, cả Việt Nam và các quốc gia cung cấp tôm khác đều đối mặt với việc giảm khối lượng xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng sự phục hồi của thị trường Trung Quốc cũng gặp khó khăn khi mức tiêu thụ tôm có thể khó duy trì tốc độ tăng trưởng từ nửa cuối năm.

Thị trường tiêu thụ tôm trên toàn cầu có xu hướng chững lại

Một quan điểm khác được đưa ra bởi ông Ronnie Tan – một chuyên gia quốc tế về ngành tôm rằng nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu đang chững lại. Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, nhu cầu tiêu thụ tôm hàng tháng tại Mỹ liên tục giảm.

Sự gia tăng mức giá thủy sản tươi lên đến 12,4% đã khiến người tiêu dùng Mỹ quay lại với các sản phẩm hải sản bảo quản. Thị trường châu Âu cũng đang có sự hạ nhiệt, đặc biệt là trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm.

Ở Trung Quốc, thị trường xuất khẩu tôm hiện đang gặp khó khăn. Ông Ronnie Tan cho biết dự kiến vào cuối tháng 6/2023, Trung Quốc sẽ đối mặt với lượng tồn kho tôm quá lớn và họ đang tìm cách giảm giá để xử lý nguồn tồn kho này. Điều này xuất phát từ tình hình kinh tế hiện tại của người dân Trung Quốc, khi họ cần thắt chặt nguồn tiêu dùng và chi tiêu.

Một quan điểm khác từ ông Jesper Clausen – Giám đốc toàn cầu về dinh dưỡng và hỗ trợ thủy sản tại Tập đoàn De Heus (Hà Lan), cho rằng sản lượng tôm nuôi toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ tăng 5% so với năm trước, đạt khoảng 6,3 triệu tấn.

Sản lượng tôm một số quốc gia như Ecuador tăng 14%, Ấn Độ tăng 2%, Thái Lan giảm 9%, Indonesia giảm 13%. Đặc biệt, Việt Nam lại chứng kiến sự sụt giảm đáng kể lên đến 32%. Vì sao Việt Nam lại có sự sụt giảm lớn đến như vậy so với các nước khác, hãy tìm hiểu thêm qua nội dung dưới đây.

Tình hình sản lượng tôm xuất khẩu tại Việt Nam giảm đến 32%

2. Nguyên nhân sản lượng tôm tại Việt Nam giảm mạnh

Tại Việt Nam, nhiều chủ vựa tôm đã phải “treo ao” do giá tôm giảm, dự đoán những quý tới giá tôm sẽ giảm mạnh hơn nữa. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người dân sinh sống tại các tỉnh ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các phương tiện truyền thông liên tục kêu gọi mọi người giải cứu cư dân nuôi tôm.

Qua nhiều góc độ khác nhau, chúng ta sẽ thấy được một số tác động khiến cho tình hình giá tôm trở nên biến động, cụ thể như sau:

2.1 Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tại Việt Nam còn “yếu”

Các cơ sở chế biến tôm tại Việt Nam tập trung vào việc gia công tôm thành các sản phẩm có giá trị cao hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế hiện tại là giá tôm thương phẩm từ các nước khác đang giảm do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dẫn đến tình trạng mức giá tiêu thụ quá thấp.

Điều này đặt ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp chế biến tôm ở Việt Nam, buộc họ phải mua tôm với giá thấp hơn để có khả năng cạnh tranh, duy trì sự tồn tại trong thị trường bình dân.

Đối với thị trường cao cấp hơn, các doanh nghiệp phải tuân theo những tiêu chuẩn đã đề ra. Những tiêu chuẩn phổ biến hiện nay không chỉ đảm bảo trách nhiệm xã hội, mà còn gồm các khía cạnh như bình đẳng giới, sự công bằng thương mại (FAIR TRADE)…

Bên cạnh đó, các hệ thống cao cấp ở Liên minh châu Âu đang yêu cầu tôm nuôi phải đáp ứng chứng nhận ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản).

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn ASC tại Việt Nam vẫn chưa đáng kể. Thậm chí, tình hình hiện tại yêu cầu không chỉ là tiêu chuẩn ASC cho ao tôm mà còn yêu cầu cả tiêu chuẩn ASC cho các cơ sở chế biến.

Để thực hiện các tiêu chuẩn này, về cơ bản, doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng một văn hóa kinh doanh, thiết lập chuẩn mực đạo đức trong hoạt động kinh doanh và phải chú trọng đến trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tôm ở Việt Nam đa phần đều phát triển một cách thiếu hệ thống và không sự ý thức trong việc xây dựng các nền tảng này.

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến tôm tại Việt Nam còn yếu

2.2 Cơ sở nuôi tôm tồn đọng nhiều vấn đề

Mặc dù chúng ta có giống tôm tốt nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất tôm kém chất lượng. Người nuôi tôm thường không thể phân biệt rõ sự khác biệt giữa tôm giống chất lượng và tôm giống kém chất lượng nên thường mua nhầm tôm bị nhiễm bệnh.

Thêm vào đó, các cơ sở nuôi tôm ở Việt Nam thường nhỏ lẻ, không có quy mô lớn và thường không có khả năng đầu tư cho các hệ thống cơ sở bài bản nên phát sinh nhiều vấn đề như ô nhiễm nguồn nước, không đủ hệ thống kênh cấp và thoát nước,… dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo dịch bệnh.

Tôm giống nhiễm bệnh, nước nuôi không sạch tạo ra tình cảnh năng suất thấp. Ngoài ra, người nuôi tôm thiếu vốn phải vay từ thương lái, ngân hàng, chi phí đầu vào tăng lên vài chục phần trăm, tạo ra áp lực không hề nhỏ đối với họ.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Tép Bạc

2.3 Cạnh tranh giá tôm từ các nước khác

Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh cực lớn về sản lượng tôm trên thế giới đến từ Ecuador và Ấn Độ. Điều này một phần bắt nguồn do tỷ lệ nuôi tôm tại Việt Nam quá thấp so với hai nước trên (chỉ 40%, trong khi đó Ấn Độ đạt 60-70%, Ecuador đạt đến 90%).

Do tỷ lệ nuôi tôm thấp nên người nuôi tôm bắt buộc phải tăng giá để thu hồi vốn. Dẫn đến tình trạng giá tôm tại Việt Nam đắt hơn so với Ấn Độ và Ecuador từ 10.000 – 30.000 đồng/kg. Điều này khiến cho Việt Nam khó xuất tôm ra được.

Tại sao tỷ lệ thành công trong nuôi tôm tại Việt Nam không đạt mức cao? Lý do đến từ việc người dân nuôi tôm mật độ cao trong môi trường kém chất lượng.

Phương pháp nuôi tôm tại Việt Nam thường có quy mô nhỏ nhưng mật độ cao, với mỗi hộ nuôi tôm sở hữu diện tích từ 1-3 ha nhưng mật độ tôm lên đến 1000 con/m2 và chung hệ thống cấp thoát nước. Ngược lại với Ecuador chỉ nuôi tôm với mật độ chỉ từ 10 – 15 con/m2.

Điều này mang đến rủi ro cực lớn, tình trạng lây bệnh cao. Điều này đã ảnh hưởng đến giá thành, tạo ra nhiều thách thức mà các công ty phải đối mặt và xử lý.

Tổng quan nhìn lại, nguyên nhân khiến sản lượng tôm Việt Nam giảm sâu đến 32% là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho thị trường giảm tiêu thụ. Bên cạnh đó do nhiều yếu tố như: khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, công tác nuôi tôm còn nhiều hạn chế,… cũng khiến cho Việt Nam khó cạnh tranh xuất khẩu tôm đối với hai nước là Ấn Độ và Ecuador.

3. Dự đoán thị trường tiêu thụ tôm sắp tới

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT MPC cho biết: Do hiện giá tôm trên thị trường đang ở mức thấp, tình hình “treo ao” ở Ấn Độ đạt đến 30-50%. Trong khi đó tại Ecuador, lượng mưa lớn đã dẫn đến tỷ lệ tôm chết lên đến 30%. Điều này dẫn đến một dự báo về sự giảm mạnh sản lượng tôm cuối năm, và tình trạng này sẽ góp phần tăng giá thành sản phẩm.

Còn tại Việt Nam, do giá tôm thấp, nhiều người nuôi tôm cũng đã gặp tình trạng “treo ao” với tỷ lệ lên đến 30-50%. Do đó, sản lượng tôm dự kiến cũng sẽ giảm từ 30-50%.

Khi nguồn cung giảm, sự khan hiếm sẽ thúc đẩy hàng tồn kho ra thị trường một cách nhanh chóng vào cuối năm, đặc biệt trong dịp lễ như Tết và Noel, khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao. Từ đó, giá tôm dự kiến sẽ trở lại tăng.

Ông Quang nhấn mạnh: “Dự kiến giá tôm sẽ có xu hướng tăng từ tháng 8 năm nay trở đi, và khả năng giảm tồn kho sẽ diễn ra nhanh chóng, cùng với việc tiêu thụ hàng tốt hơn”.

Thị trường tiêu thụ tôm sắp tới sẽ có xu hướng tăng

4. Hướng đi nào cho thị trường tôm Việt Nam năm 2023

Đầu tiên, các nhà cung cấp giống tôm cần phải làm lại quy trình nuôi tôm của họ thông qua việc thực thi các tiêu chuẩn được thống nhất. Qua việc này, những cơ sở uy tín có sản phẩm chất lượng sẽ giúp người nuôi có thể lựa chọn dễ dàng. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến cần cung cấp thông tin về tình hình thị trường và giá cả thế giới để các phần còn lại của chuỗi cung ứng có thể tham khảo và đáp ứng.

Các doanh nghiệp chế biến cần tập trung vào việc tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản phẩm, đồng thời nỗ lực tạo ra các sản phẩm mới và mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó tạo điều kiện cho việc mua tôm thương phẩm với giá cao hơn. Đồng thời, cần giảm việc mua tôm nguyên liệu từ nước ngoài và tập trung ủng hộ nguồn cung tôm thương phẩm trong nước. Hiện nay, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đang hợp tác để hình thành một liên minh với hai mục tiêu trên.

Tiếp theo, người nuôi (cùng với những người đầu tư trong ngành nuôi tôm) cần tập trung vào việc lựa chọn tôm giống chất lượng tốt hơn. Nếu cần phải đầu tư một số tiền lớn, họ nên giảm quy mô nuôi tôm theo khả năng tài chính của mình. Quá trình này có thể bắt đầu với quy mô nhỏ và sau đó mở rộng sau khi đã có được tích lũy.

Cùng lúc, cần cập nhật các quy trình nuôi tôm hiệu quả, bảo đảm thích nghi theo tình hình cụ thể. Các nhà cung ứng thức ăn và chế phẩm nuôi tôm cần tập trung vào việc giảm chi phí để cung cấp sản phẩm với giá thấp nhất cho người nuôi.

Phải có sự đồng bộ giữa các giải pháp trên với vai trò quản lý của nhà nước. Việc quản lý, kiểm soát và lưu thông các yếu tố liên quan đến tôm thương phẩm (bao gồm cả tôm ấu trùng và tôm giống) cần phải chặt chẽ và quyết liệt hơn bao giờ hết.

Chính phủ có thể cân nhắc việc xem xét giá cả của các yếu tố đầu vào cho việc nuôi tôm, trong đó giá thức ăn đóng vai trò quan trọng. Trong tương lai, việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi tôm trọng điểm cũng cần được xem xét. Cả hai điều này có thể góp phần cải thiện tỷ lệ thành công trong việc nuôi tôm, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.

Ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc vay vốn cho người nuôi do họ không còn tài sản để thế chấp, trong khi nhu cầu vốn cho việc nuôi tôm không phải là một con số nhỏ.

Tuy nhiên, vấn đề này đang được giải quyết khá tốt thông qua sự linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong những năm qua, một chuỗi liên kết mới đã hình thành, kết nối giữa các yếu tố đầu vào, ngân hàng, đại lý mua tôm và người nuôi.

Ban đầu, chuỗi liên kết này được dẫn đầu bởi Tập đoàn C.P Việt Nam và đạt được kết quả tích cực. Điều này là một ví dụ đáng học. Các nhà cung ứng khác cũng đã hình thành các chuỗi liên kết tương tự và phát triển mô hình nuôi riêng cho mình, góp phần nâng cao hiệu suất cho một số lượng người nuôi đáng kể, duy trì sản lượng tôm nuôi và thậm chí đạt được tăng trưởng nhẹ trong những năm qua.

Đối diện với khó khăn của ngành tôm hiện nay, tất cả những người tham gia trong lĩnh vực nuôi tôm cần nâng cao khả năng của họ, xem chất lượng là điều quan trọng nhất. Tất cả các bên cần hợp tác và đoàn kết vì mục tiêu tồn tại lâu dài của cả ngành, và cần phải có cách ứng xử thích hợp trong tình hình này.

Hơn hết, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần tăng cường quan tâm và hỗ trợ cho lĩnh vực nuôi tôm thông qua việc cập nhật và thắt chặt các quy định quản lý và kiểm soát. Trong tương lai gần, việc quản lý con giống và tăng cường đầu tư vào hạ tầng cho các vùng nuôi tôm trọng điểm cần phải được ưu tiên.

Tuy nhiên, về lâu dài, mặc dù Chính phủ đã ra mắt chiến lược phát triển thủy sản tổng quát, bao gồm cả ngành nuôi tôm đến năm 2030 và thậm chí tới tầm nhìn năm 2045. Việc hiện thực hóa chiến lược này đang diễn ra quá chậm chạp và cần có sự quan tâm lớn hơn và áp lực đúng mức từ phía Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Đình Hiệp

Nguồn: Tepbac.com