Thành công từ mô hình nuôi tôm thẻ theo công nghệ Semi – Biofloc

Ông Nguyễn Văn Tiện (tỉnh Bình Định) nuôi tôm thể theo công nghệ Semi-Biofloc, sau 3 tháng thu lợi nhuận khoảng 70 đến 100 triệu đồng.

Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) có trên 200 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong những năm gần đây, việc nuôi tôm ngày càng khó khăn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, chi phí thức ăn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người nuôi tôm.

Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, cải thiện quy trình nuôi thân thiện với môi trường và tăng thêm thu nhập cho người nuôi. Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Nhơn đã tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc” với quy mô 1.500 m2 tại thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn.

Được hỗ trợ 50% kinh phí giống và vật tư, ông Nguyễn Văn Tiện, người nuôi tôm thâm niên tại thôn Kim Giao Thiện đã triển khai thực hiện mô hình. Trong thời gian triển khai mô hình, tình hình dịch bệnh tôm đang có chiều hướng gia tăng ở các vùng nuôi lân cận, thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Đồng thời giá cả đầu vào tăng cao, trong khi đó giá tôm thương phẩm có chiều hướng giảm, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người nuôi.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình kết hợp áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo công nghệ Semi-Biofloc đã được hướng dẫn như lấy nước, xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo Biofloc,… nên việc thực hiện mô hình tương đối trơn tru và đạt kết quả khả quan.


Tôm sau 3 tháng thả nuôi. Ảnh: NTN, Tepbac.

Qua 3 tháng thả nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (80%), trọng lượng trung bình 70 con/kg, sản lượng ước đạt 3,4 tấn/1.500 m2, sau khi tính toán các chi phí ông Tiện thu lại lợi nhuận khoảng 70 đến 100 triệu đồng.

Tại hội thảo tổng kết đánh giá kết quả mô hình, đa số các hộ dân đều đánh giá cao kết quả mô hình đạt được. Ông Tiện cho hay: Việc áp dụng công nghệ Semi – Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế và xã hội. So với việc nuôi tôm trước đây, thì nuôi công nghệ này ít thay nước hơn hẳn và môi trường nước ao nuôi luôn ổn định, do vậy cũng hạn chế được mầm bệnh phát sinh trong suốt quá trình nuôi.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Tú, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định: Thời tiết trong vụ nuôi diễn biến tương đối phức tạp, các ao nuôi trong vùng đa số đều bị dịch bệnh hoặc là tôm bị chậm lớn, đều phải xả ao sớm. Kết quả triển khai mô hình là thành công bước đầu của việc nuôi tôm trong điều kiện dịch bệnh có chiều hướng gia tăng và giá cả vật tư, thức ăn ngày càng tăng cao. Hi vọng sẽ có nhiều hộ dân áp dụng công nghệ mới này để nâng cao năng suất vụ nuôi, góp phần tăng thu nhập cũng như hạn chế dịch bệnh, đảm bảo môi trường nuôi ngày càng bền vững.

NTN @ntn

Tepbac.com