Thân lá thồm lồm: Hiệu quả phòng trị bệnh AHPND trên tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Dịch chiết thô thồm lồm có hiệu quả diệt vi khuẩn V. parahaemolyticus, tăng tỷ lệ sống của tôm, là cơ sở khoa học để phát triển sản phẩm thuốc thảo dược có hiệu quả trong phòng và trị bệnh AHPND.

Cây thồm lồm (Polygonum chinense L.) (Nguồn: flickr.com)

 Phương pháp nghiên cứu

Thí nghiệm đánh giá hiệu quả dịch chiết thô thân lá thồm lồm đối với tôm gây nhiễm vi khuẩn gây bệnh AHPND được mô tả chi tiết trong Bảng 1.

Tác dụng diệt khuẩn

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cặn chiết thô thu được từ thân lá cây thồm lồm (sau khi xử lý ngâm chiết bằng dung môi ethanol) có hiệu quả diệt vi khuẩn gây bệnh AHPND ở tôm nuôi với đường kính vòng vô khuẩn dao động trong khoảng 19,8-20,6 cm khi sử dụng dịch chiết thô với lượng 66,7-200μg, kết quả này tương đương với thuốc kháng sinh Doxycyclin (30μg). Tính diệt khuẩn của sản phẩm dịch chiết thô thồm lồm giảm dần khi sử dụng nồng độ 40μg và 22,2μg/khoanh, tương ứng có đường kính vòng vô khuẩn đạt lần lượt 15,3 và 0 mm.

Tác dụng thử nghiệm ở tôm trong quy mô phòng thí nghiệm

Ở thí nghiệm đưa thảo dược vào cơ thể tôm bằng hình thức cho ăn. Kết quả thí nghiệm chỉ rõ, tôm có dấu hiệu chết bắt đầu ở ngày thứ 3 ở thí nghiệm 1 và 2 tương ứng bổ sung 25 g và 30 g/100 kg tôm. Tỷ lệ chết tăng dần từ 7,5 đến 47,5% (25 g/100 kg tôm) và 5 đến 55% (30g/100 kg tôm) theo thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của quá trình cho tôm ăn thức ăn có trộn dịch chiết thô thân lá thồm lồm. Sau 1 ngày công cường độc V. parahaemolyticus, tôm được cho ăn thức ăn chứa thảo dược chết với tỷ lệ lên đến 100%, trong khi đó lô Đ/C dương có tỷ lệ chết 100% ở ngày thứ 3 sau khi gây nhiễm và lô Đ/C âm tỷ lệ chết 0% đến ngày nuôi thứ 14.

Đối với lô thí nghiệm sử dụng dịch chiết thô thảo dược bổ sung vào nước nuôi cùng thời điểm với công cường độc vi khuẩn gây bệnh AHPND và bổ sung thảo dược lặp lại lần 2 sau 24h, kết quả cho thấy tỷ lệ tôm chết 100% ở ngày thứ 3 và ngày thứ 5 lần lượt ở bể Đ/C dương và bể sử dụng thảo dược hàm lượng 25g/m3, trong khi đó ở hàm lượng 30 g/m3 tỷ lệ chết cộng dồn là 40% sau 21 ngày ở thí nghiệm. Kết quả phân tích AHPND trong quá trình thí nghiệm cho thấy, sau khi gây nhiễm và bổ sung thảo dược vào nước nuôi 1 ngày tỷ lệ mẫu nhiễm vi khuẩn gây bệnh AHPND lần lượt là 33,3; 66,7 và 100% tương ứng ở lô 25, 30 g/m3 và Đ/C dương. Đến ngày thứ 3, tỷ lệ (%) mẫu nhiễm vi khuẩn gây bệnh AHPND đã giảm xuống 0% ở lô sử dụng thảo dược thô 30 g/m3 , trong khi đó 2 lô còn lại tỷ lệ% vẫn giữ nguyên ở ngày thứ 3 của thí nghiệm.

Quan điểm

Dịch chiết thô ethanol thu được từ thân lá cây thồm lồm có hiệu quả diệt vi khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND với đường kính vòng vô khuẩn đạt 19,8-20,6 mm khi sử dụng nồng độ 66,7-200 μg/khoanh/20μl. Trong khi đó, phương pháp trộn dịch chiết thô vào thức ăn không có hiệu quả do tôm nuôi không ăn mồi.

 Ngọc Anh (Theo Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam)