Tảo trong ao nuôi tôm và cách xử lý

Tảo dày, nước đậm, tảo tàn và sập tảo luôn là nỗi lo với người nuôi tôm. Nuôi tôm bằng ao bạt, mật độ dày thì việc xử lý tảo càng được người nuôi tôm đặc biệt quan tâm.

VAI TRÒ CỦA TẢO TRONG AO NUÔI TÔM

Tảo là loài thực vật nhỏ có khả năng quang hợp, sống lơ lửng trong nước và một số có khả năng chuyển động. Những nhóm tảo chính bao gồm: tảo lục, tảo lam, tảo giáp, tảo khuê, tảo mắt.

Tảo ngoài vai trò là mắt xích đầu tiên của chuỗi thức ăn trong thủy vực và giúp cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, tảo còn là nguồn cung cấp ôxy chính, làm giảm độ trong của nước, hấp thu muối dinh dưỡng dư thừa, hấp thu chất hữu cơ trong ao tôm. Tuy nhiên, khi mật độ tảo phát triển nhanh đột ngột có thể gây nên một số tác hại không nhỏ trong ao nuôi như biến động các yếu tố môi trường, nhờn nước, một số loại tảo khi phát triển dày đặc có thể phá hủy, hay làm tắc nghẽn mang của cá tôm. Tảo tàn có thể gây bệnh đường ruột nếu tôm ăn phải.

CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ TẢO TRONG AO TÔM

Cắt tảo bằng vôi

 

Thông thường tảo phát triển quá mức là do dư thừa phospho trong ao nuôi, Nguyên nhân là phospho trong thức ăn tồn tại dưới dạng muối Phyrate và tôm không thể hấp thu được sẽ thải ra môi trường.

Khi tảo phát triển quá mức đặc biệt là tảo lam, tảo sợi, tảo đỏ thì cần kiểm tra ngay độ đệm (bicacbonat), nếu hệ đệm cao thì chỉ cần thay nước ao vào ban đêm khoảng 30% nước để giảm tảo. Ngược lại, nếu hệ đệm thấp thì có thể xử lý dễ dàng: ngâm vôi nung hoặc vỏ sò lúc 2h chiều, đến khoảng 3h sáng thì mang tạt đều quanh ao với liều lượng 30kg/1000m3 nước, xử lý 2 ngày liên tiếp. Dùng vôi có thể giúp kết tủa giảm hàm lượng Phospho trong ao nuôi nhanh chóng, tảo sau đó cũng giảm xuống rất nhanh, sau khi tảo giảm có thể dùng vi sinh để ổn định tảo sẽ rất hiệu quả.

Cần chú ý dùng vôi để cắt tảo trong những ao có lót bạt thì sáng hôm sau nên xiphông ngay để tránh trường hợp vôi lắng tụ dưới đáy dễ lên rong nhớt đáy áo.

Cắt tảo bằng men vi sinh

 

Dùng men vi sinh chủng Bacillus, đây là chủng men vi sinh có thể phát triển tốt khi nhiệt độ và nồng độ muối thay đổi. Một số chủng Bacillus sp có khả năng phân hủy nitơ cũng như tiếc các enzyme đẩy nhanh quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ và các sản phẩm độc như amoniac.

Ưu điểm của việc cắt tảo bằng men vi sinh là ngoài việc hỗ trợ giảm tảo, ổn định môi trường nước, Bacillus còn cạnh tranh môi trường sống, giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh trong ao nuôi thủy sản.

 

Cắt tảo bằng enzyme

 

Cơ chế cắt tảo bằng enzym:

Enzyme cắt tảo dựa trên nguyên lý sinh học, dùng tác động phân hủy chất hữu cơ của các enzyme đặc hiệu (chất hữu cơ chính là nguồn dinh dưỡng chính cho sự phát triển của tảo ).
Mỗi enzyme có phản ứng đặc trưng riêng cho mỗi kiểu xúc tác của nó. Ví dụ, enzyme Protase có khả năng thủy phân các protein không hòa tan, Cellulase bẻ gãy các cellulose, Lypase xúc tác cho chất béo…

Không có 1 loại enzyme đặc hiệu nào có hiệu quả cho mọi loại tác dụng mà thường phải pha chế các hỗn hợp enzyme để đạt hiệu quả cao nhất.
Sau khi cắt tảo, lượng tảo chết đi sẽ được enzyme tiếp tục phân hủy, tạo thành thức ăn tự nhiên cho tôm cá.

Ưu điểm

Không gây sụp tảo ồ ạt và đột ngột, không gây sốc, gây độc cho tôm. Không ảnh hưởng đến tôm nhỏ, không làm tôm bỏ ăn. Không gây ô nhiễm nguồn nước sau khi tảo chết.

Cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên (Iod, Phosphor, Potasium…) đến từ việc phân giải xác tảo cung cấp cho sự phát triển của tôm cá.

Tác động của enzyme nhanh hơn gấp nhiều lần so với men vi sinh, đồng thời enzyme có thể hoạt động tốt trong nhiều môi trường khác biệt.

N.N.T

Trong suốt quá trình nuôi tôm, người nuôi cần điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Có thể giảm thức ăn hoặc cắt bữa trong những ngày thời tiết thay đổi hoặc tôm lột, tôm bệnh để tránh thức ăn dư thừa là nguyên nhân gây “bùng” tảo