Siết công tác quản lý nuôi tôm trên đất lúa

Trước thực trạng ồ ạt nuôi tôm thẻ trên đất lúa, tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương cần siết chặt công tác quản lý và tăng cương tuyên truyền người dân.


Việc người dân đưa tôm thẻ chân trắng nuôi trong vùng nước ngọt sẽ không phù hợp về đặc điểm sinh học, tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức. Ảnh: Minh Sáng.

Nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn nước ngọt

Dù nhiều hộ nuôi tôm cho rằng, việc chuyển nước thải trong quá trình nuôi tôm sang ao lắng nên không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học, việc đưa tôm thẻ chân trắng nuôi trong vùng nước ngọt không phù hợp về đặc điểm sinh học, tác động tiêu cực đến nguồn nước ngầm do bị khai thác quá mức.

Ông Phạm Minh Vương, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Lập, huyện Mộc Hoá cũng thừa nhận, hiện nay việc nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu do người dân tự phát chứ chưa có quy hoạch nào. Kỹ thuật nuôi tôm nông dân không có, đa số dựa vào các công ty bán giống và thức ăn hỗ trợ. Hội Nông dân cũng đã vẫn động bà con không nên vì ham lợi nhuận mà đào ao tiếp tục nuôi tôm như thế vì rủi ro rất lớn.

Về phía chính quyền huyện Mộc Hoá, địa phương này cũng nhiềui lần mời các chuyên gia và lãnh đạo Sở, ban ngành tỉnh Long An về để họp bàn và giải thích cho người dân hiểu rõ những tiềm ẩn nguy cơ của việc nuôi tôm tự phát. Đồng thời, vừa tuyên truyền vận động vừa tiến hành xử phạt hành chính trên 60 hộ, với tổng số tiền phạt trên 500 triệu đồng.

Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa Nguyễn Văn Minh cho biết: “Thời gian gần đây, hầu hết các trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn đều là nông dân tự ý chuyển đổi, không nằm trong quy hoạch của địa phương. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài mà không vận động được, chính quyền huyện sẽ cưỡng chế để khắc phục lại tình trạng ban đầu”.


Hầu hết các trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Long An đều là nông dân tự ý chuyển đổi, không nằm trong quy hoạch của địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Tính đến tháng 10/2021, trên địa bàn huyện Tân Hưng mới có khoảng 70ha diện tích nuôi tôm, nhưng đến đầu năm 2022 đã tăng lên 112,7 ha với 26 hộ nuôi, trong đó chủ yếu các hộ dân cải tạo lại các ao ươm nuôi cá tra trước đây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng Lê Thành Yên cho biết: “Trước tình hình tăng nóng diện tích nuôi tôm trên địa bàn, huyện đã thành lập tổ kiểm tra, rà soát tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục mở rộng đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng”.

Theo ông Yên, đoàn kiểm tra đã rà soát tình hình các hộ nuôi tôm, lập biên bản cam kết ngừng nuôi khi kết thúc vụ và bảo đảm vệ sinh môi trường trong thời gian thả nuôi. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng nào trên địa bàn huyện bị xử lý.

Ghi nhận thực tế tại các địa phương của Long An, do nuôi trong vùng nước ngọt nên các hộ dân đều khoan giếng tầng nông (độ sâu 30 – 40m) để lấy nước có độ mặn khoảng 4 – 9‰ hoặc dùng muối để nâng độ mặn (20 tấn/1.000m2) cho ao nuôi tôm. Đa số các hộ thả giống nuôi với mật độ cao, dao động từ 100 – 300 con/m2.

Từ thực tiễn việc nuôi tôm thẻ chân trắng, những rủi ro và những phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, ngành chức năng kiến nghị tỉnh Long An tiếp tục chỉ đạo, không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm.

Mặt khác, có thể việc thẩm thấu nước mặn từ các ao nuôi ra môi trường bên ngoài sẽ gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Không cấp điện cho những hộ dân nuôi tôm tự phát

Mặc dù chính quyền các địa phương vùng Đồng Tháp Mười đã vào cuộc mạnh mẽ và thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, thậm chí răn đe ngăn chặn người dân tự ý chuyển diện tích đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng không đúng quy hoạch, nhưng tình trạng người dân tự phát đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng nước ngọt vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng mở rộng dần diện tích.


Tình trạng người dân tự phát đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng nước ngọt vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng mở rộng dần diện tích. Ảnh: Minh Sáng.

Trước tình trạng bùng phát nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp với UBND huyện Mộc Hóa tổ chức nhiều hội thảo nhằm đánh giá việc nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng nước ngầm ở vùng Đồng Tháp Mười sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và các cây trồng xung quanh.

Đồng thời, kiến nghị tỉnh Long An chỉ đạo các địa phương tập trung kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đối với những diện tích đã đào ao nuôi, địa phương tiếp tục vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác.

“Thời gian qua, UBND tỉnh Long An cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương này vẫn tiếp tục tăng”. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền nhấn mạnh.


Ngành chức năng tỉnh Long An sẽ triển khai kiểm tra về độ mặn, đánh giá sự ảnh hưởng, tác động đến môi trường của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Ảnh: Minh Sáng.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Truyền, ngành chức năng tỉnh sẽ triển khai kiểm tra về độ mặn, đánh giá sự ảnh hưởng, tác động đến môi trường của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, báo cáo UBND tỉnh nhằm kịp thời có chỉ đạo chấn chỉnh xử lý. Điện lực Mộc Hóa sẽ không giải quyết cấp điện cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, kiểm tra, xử lý hộ dân sử dụng điện không đúng mục đích xin phép ban đầu trên địa bàn.

Theo các chuyên gia và nhà khoa học, việc phát triển nuôi tôm trên vùng Đồng Tháp Mười cần được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm, nhất là với diện tích nuôi tôm tự phát như hiện nay, bởi lợi nhuận từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng rất cao. Do mới nuôi mấy năm gần đây nên dịch bệnh chưa xuất hiện và người dân đang thu kết quả cao, nhưng về lâu dài việc nuôi con tôm thẻ chân trắng trên vùng nước ngọt không nằm trong vùng quay hoạch sẽ là trở ngại và rủi ro lớn.

“Việc khai thác nguồn nước giếng với tần suất dày đặc ở khu vực người dân đang nuôi tôm vùng Đồng Tháp Mười sẽ tác động lớn đến môi trường. Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với chính quyền các huyện vận động người dân lấp các giếng khoan và tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý và đưa ra giải pháp phù hợp về hoạt động nuôi tôm thẻ tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười’, ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết.

Minh Sáng – Nguyễn Thủy

Nongnghiep.vn