Sau khủng hoảng, ngành cá tra đang trở lại thời kỳ hưng thịnh?

Trong thời gian gần đây, nhờ sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp, người nuôi, ngành cá tra có dấu hiệu hồi phục trở lại. Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành cá tra như trở lại thời kỳ “hưng thịnh” khi có giá bán và thị trường tiêu thụ khá tốt.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành cá tra chỉ có thể duy trì được sự hồi phục này một cách lâu dài nếu giải quyết căn cơ những bất cập, khó khăn hiện nay của ngành cũng như có sự đầu tư bài bản hơn trong xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.

Sau khủng hoảng, ngành cá tra đang trở lại thời kỳ hưng thịnh?

Thu hoạch cá tra thương phẩm.

Bài 1: Trở lại thời kỳ “hưng thịnh”

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, từ đầu năm đến nay, ngành cá tra được xem là đang ở thời kỳ “hưng thịnh” nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Từ người ương giống, người nuôi cá thương phẩm… cho đến các doanh nghiệp đều có lợi nhuận khá tốt, do giá bán tăng cao, thị trường tiêu thụ mạnh.

Doanh nghiệp khấm khá

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá cho rằng 6 tháng đầu năm 2018, ngành cá tra ở thời kỳ ổn định nhất từ trước đến nay, cả về sản xuất lẫn xuất khẩu.

Cụ thể, giá nguyên liệu luôn lập kỷ lục ở mức khá cao, có thời điểm lên đến 31.500 đồng/kg (tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2017) mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi.

Không những vậy, do nhu cầu thị trường tiêu thụ khá tốt, nhất là thị trường Trung Quốc và Mỹ nên giá cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể (khoảng 10-20%), đủ bù đắp chi phí nguyên liệu và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thậm chí, một số doanh nghiệp sản xuất không kịp giao hàng các hợp đồng đã ký, nhất là các doanh nghiệp sản xuất theo quy mô chuỗi khép kín thì sẽ có lợi nhuận cao hơn. Riêng tại Công ty Hùng Cá, doanh thu xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Ngọc Xuân (Tiền Giang), cho hay trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù thiếu nguyên liệu cá tra đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp chế biến, nhưng nhờ chủ động vùng nguyên liệu (đáp ứng 50% công suất chế biến nhà máy) nên hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đảm bảo khá tốt.

Cũng như tình hình chung của ngành, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra của Công ty Ngọc Xuân tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.

Theo bà Ánh, ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống, thời gian gần đây các doanh nghiệp đang hướng đến thị trường Trung Đông, nhất là ở Ai Cập. Đây là thị trường khá tiềm năng cho ngành cá tra Việt Nam, vì có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra với kích cỡ lớn, góp phần tăng sự đa dạng các chủng loại xuất khẩu.

Các doanh nghiệp khác cũng nhận định rằng kể từ thời điểm ngành cá tra gặp khủng hoảng về dư thừa nguồn cung và giá bán sụt giảm mạnh năm 2008, thì 6 tháng đầu năm 2018 là khoảng thời gian ngành cá tra có nhiều thuận lợi nhất. Dù giá cá giống thời gian qua cũng tăng khá cao, song do giá nguyên liệu tăng mạnh nên lợi nhuận của người nuôi cũng khá ổn định.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, cá tra là mặt hàng thủy sản có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi tăng 18% so với cùng kỳ 2017 và đạt trên 600 triệu USD. Hầu hết các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Colombia… đều có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu.

Đáng chú ý, mặc dù chương trình thanh tra cá da trơn và thuế chống bán phá giá khiến số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng 26% trong 4 tháng đầu năm, đạt 108 triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam, đạt 145 triệu USD, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ.

Sau khủng hoảng, ngành cá tra đang trở lại thời kỳ hưng thịnh?

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Tăng trưởng ấn tượng

Lý giải nguyên nhân xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng khá tốt ở thị trường Mỹ, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một trong số ít doanh nghiệp vẫn xuất khẩu ổn định sang thị trường này, cho biết việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá cao và Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ đã khiến xuất khẩu sang thị trường này bị thu hẹp, còn lại rất ít doanh nghiệp tham gia.

Tuy nhiên, chính việc kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng của Bộ Nông nghiệp Mỹ làm cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp đối thủ ở nước này không có cớ để tẩy chay con cá tra Việt. Cũng chính Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ làm tăng thêm nhiều chi phí trên mỗi kilogam cá tra xuất khẩu sang nước này.

Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ lên và vẫn được khách hàng chấp nhận. Điều này giúp cho các công ty vẫn có thể mua cá tra nguyên liệu với giá cao trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, giá cá tra nguyên liệu lên quá cao gây không ít lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu. Bởi trên thị trường cá thịt trắng thế giới, cá tra đang phải chịu sự cạnh tranh với nhiều loại cá khác như cá minh thái (pollock), rô phi, cá cod….

Cuối năm 2017, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại nếu giá bán cá tra tăng cao thì các nhà nhập khẩu sẽ thay thế bằng các loại cá thịt trắng khác.

Tuy nhiên, “điều này đã không xảy ra nhờ cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đã đồng lòng không bán giá thấp ở các thị trường quan trọng, giúp xuất khẩu ổn định và giá bán tăng cao.

Riêng ở thị trường Trung Quốc, dù cá tra Việt đang được bán cao hơn cá rô phi hơn 1 USD/kg, nhưng vẫn không bị thay thế, vì người tiêu dùng Trung Quốc không ưa chuộng cá rô phi,” bà Trương Thị Lệ Khanh, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt của VASEP cho biết.

Theo ông Ông Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ cá tra rất lớn và khó có loài cá nào có thể thay thế con cá tra ở thị trường này bởi đây là loại cá trung tính, không bị dị ứng như một số loài cá khác.

Bên cạnh đó, dù Trung Quốc là nước sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới và con cá tra và cá rô phi có giá gần ngang nhau, song người Trung Quốc lại có ấn tượng rất xấu về cá rô phi nên ít tiêu thụ cá rô phi ở nội địa. Những điều này đã giúp tiêu thụ cá tra vào thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian qua, thậm chí không đủ lượng cá để xuất vào thị trường này. Họ chỉ tạm ngưng mua khi giá cá tra lên quá cao.

Cũng theo ông Văn, hiện nay đa số các doanh nghiệp nhập khẩu cá tra Trung Quốc là doanh nghiệp lớn, uy tín. Do vậy, chỉ cần các doanh nghiệp chế biến cá tra Việt không buông lỏng khâu kiểm soát chất lượng và xuất khẩu theo đường chính ngạch thì đây là thị trường tiêu thụ rất tiềm năng của ngành cá tra trong thời gian tới./.

Bài 2 – Hồi phục ngành cá tra: Vượt qua nỗi ám ảnh

Hứa Chung
Nguồn: TTXVN/VIETNAM+