Quảng Bình: Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, để phát triển nuôi tôm nước lợ trên địa bàn bền vững, đạt hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch phát triển ngành tôm tỉnh Quảng Bình đến năm 2025…

Ảnh minh họa

Để phát triển nuôi tôm nước lợ, một số giải pháp được đưa ra như: Phát triển mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức của các cơ sở nhỏ lẻ, phân tán thành các Tổ hợp tác nuôi tôm để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian; Nghiên cứu hình thành các doanh nghiệp xã hội trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm theo vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hệ thống sản xuất, phân phối con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ ngành tôm trên địa bàn tỉnh; quan trắc, cảnh báo môi trường và kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm tập trung; giám sát chặt chẽ nguồn nước cấp, nước thải của các cơ sở nuôi, chế biến tôm; Tăng cường công tác giám sát môi trường, cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường; quản lý hiệu quả việc sử dụng nguồn nước chung cho hoạt động của các ngành kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế xung đột và tác động tiêu cực trong quá trình sử dụng chung nguồn nước; Khuyến khích vận động người dân dồn ghép, tích tụ đất đai, đầu tư cơ sở nuôi tôm đồng bộ để dễ dàng áp dụng khoa học công nghệ mới, tổng kết, đánh giá các mô hình sản xuất tôm hiệu quả để nhân rộng. Đồng thời, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về các quy định, chính sách phát triển nuôi tôm.

Công tác quy hoạch và nâng cấp cơ sở, hạ tầng vùng nuôi, rà soát, quy hoạch và quy hoạch lại các vùng nuôi tôm theo hướng xác định các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để tập trung phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh; chuyển đổi nâng cấp các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh. Duy trì diện tích nuôi xen ghép với các đối tượng khác có giá trị kinh tế để hạn chế ô nhiễm; quy hoạch một số vùng cát ven biển để phát triển diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với các khu du lịch sinh thái; Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi (hệ thống xử lý nước cấp, nước thải) và hệ thống điện ba pha đủ cung cấp cho các vùng sản xuất tôm tập trung.

Về khoa học công nghệ và khuyến ngư, phối hợp với Cục Thủy sản, các viện nghiên cứu, trường đại học… để triển khai thực hiện chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh; Chủ động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất tôm giống, đảm bảo cung ứng đủ giống tôm tăng trưởng nhanh, kháng một số bệnh thường gặp để chủ động cung cấp, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và xuất bán cho các tỉnh bạn. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật nuôi mới (nuôi công nghệ sinh học, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tuần hoàn ít thay nước…) nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tôm; Tăng cường chuyển giao, nâng cấp và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế, bảo quản tôm nguyên liệu để nâng cao tỷ trọng hàng giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu; Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nước cấp, môi trường ao nuôi tôm…/

T.H

Nguồn: Mard.gov.vn