Quả nhàu: Cải thiện hiệu suất tăng trưởng, tiêu hóa và giảm Stress trên tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Chiết xuất từ quả nhàu (Morinda citrifolia) được bổ sung vào thức ăn tôm với nồng độ trong khoảng 1-1,5% giúp cải thiện hiệu suất tăng trưởng, tỷ lệ sống và khả năng chống lại các áp lực môi trường. Do đó, việc bổ sung chế độ ăn với chiết xuất quả nhàu có thể là một giải pháp thay thế thuốc kháng sinh hoặc hóa học như chất kích thích tăng trưởng trong nuôi tôm.

Quả nhàu (Morinda citrifolia) được biết đến rộng rãi như một thảo dược quan trọng và được trồng phổ biến ở Đông Nam Á (Halim & cs., 2018). Thành phần của quả nhàu rất giàu protein, vitamin, khoáng chất, coenzym, carbohydrate và alkaloid. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng M. citrifolia sở hữu nhiều đặc tính dược lý, chẳng hạn như đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa và chống viêm (DeiviArunachalam & cs., 2021).

Nghiên cứu về tác dụng của chiết xuất M. citrifolia đối với động vật thủy sản vẫn còn hạn chế. Theo Halim & cs. (2018) chỉ ra rằng chiết xuất lá M. citrifolia có thể thúc đẩy khả năng miễn dịch và tăng mức độ biểu hiện gen miễn dịch ở tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii). Hơn nữa, việc sử dụng chiết xuất thô từ quả nhàu trong khẩu phần ăn cũng cải thiện các thông số tăng trưởng và hoạt động enzyme chống oxy hóa của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng (Moh & cs., 2021).

Vì vậy, thực hiện nghiên cứu này để đánh giá hiệu quả của chiết xuất quả nhàu trong việc thúc đẩy tỷ lệ sống, hiệu suất tăng trưởng, hoạt động của enzyme tiêu hóa và khả năng chống chịu stress môi trường của tôm thẻ chân trắng. Những phát hiện của nghiên cứu này có thể làm thông tin cơ bản cho việc quản lý thảo dược ở các trang trại nuôi tôm.

Phương pháp nghiên cứu

Chuẩn bị chiết xuất quả nhàu và thử nghiệm

Quả nhàu được mua từ chợ địa phương (Cần Thơ, Việt Nam). Sau đó quả được rửa sạch và cắt cẩn thận thành từng miếng nhỏ. Sau khi phơi khô trong 2 tuần, quả nhàu được nghiền thành dạng bột với số lượng yêu cầu. Chiết xuất quả nhàu bằng metanol 70% với tỷ lệ 1:5 ở nhiệt độ phòng. Sau khi khuấy liên tục trong 48 giờ, dịch chiết được lọc bằng giấy lọc định tính. Chất lỏng sau đó được cô đặc bằng phương pháp bay hơi ở nhiệt độ 50oC và áp suất trong khoảng từ 90-300 mBar. Dịch chiết được chuyển vào lọ thủy tinh và bảo quản trong tủ lạnh ở 4oC.

Thức ăn tôm thương mại không có chiết xuất từ quả nhàu được sử dụng làm nghiệm thức đối chứng. Đối với các nhóm thử nghiệm, chiết xuất quả nhàu được hòa tan với nước khử trùng và phun vào thức ăn viên cho tôm ở các nồng độ khác nhau (0,5; 1 hoặc 1,5%). Sau đó, chúng được sấy khô ở nhiệt độ 30oC và bảo quản trong tủ lạnh ở 4oC.

 Thiết kế thử nghiệm

Tôm thẻ chân trắng khỏe mạnh thu được từ trại giống thương mại và nuôi thích nghi trong 1 tuần trong bể hỗn hợp (5m3) trước khi bắt đầu thí nghiệm. Sau khi thích nghi, 1.200 con tôm thí nghiệm (0,5 ± 0,07g) được chọn ngẫu nhiên và chuyển sang 12 bể (dung tích 500L) trong 4 hệ thống nuôi tuần hoàn. Mỗi nhóm thử nghiệm có ba lần lặp lại, mỗi lần gồm 100 con tôm. Tôm được cho ăn 4 lần (6h, 12h, 17h và 20h) hàng ngày với tỷ lệ 3–5% trọng lượng cơ thể. Thức ăn thừa được thu thập 1 giờ sau khi cho ăn và sấy khô ở 80oC. Trong quá trình thử nghiệm, các thông số chất lượng nước được duy trì trong phạm vi phù hợp cho sự phát triển của tôm.

Hoạt động của enzyme tiêu hóa

Trong quá trình thí nghiệm, 10 con tôm trong mỗi phương pháp thử nghiệm được chọn 2 tuần/lần để đo hoạt động của enzyme tiêu hóa. Sau khi nhịn đói trong 24 giờ, tiến hành giải phẫu tôm để phân tích.

 Thí nghiệm stress mặn

Sau thử nghiệm cho ăn kéo dài 56 ngày, 10 con tôm trong mỗi bể được chuyển sang bể 20L để thử nghiệm stress độ mặn, với độ mặn giảm từ 20 xuống 5ppt bằng cách thêm nước máy đã khử Chlorine. Tỷ lệ sống của tôm được tính theo khoảng thời gian 24 giờ trong 96 giờ.

Thí nghiệm stress amoniac

Tương tự, 30 con tôm từ mỗi phương pháp thử nghiệm được phân bố vào bể 20L (10 con/lần lặp lại) cho thí nghiệm stress amoniac. Nước biển sạch được thêm vào bể và nồng độ amoniac được tăng lên bằng cách sử dụng Amoni chloride (NH4Cl). Trong suốt thời gian thử nghiệm, dung dịch được thay mới sau mỗi 24 giờ và tôm chết được loại bỏ cẩn thận và ghi lại trong thời gian phơi nhiễm 96 giờ.

Kết quả nghiên cứu

 Các thông số tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm

Bảng 1. Hiệu suất tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng  được cho ăn các chế độ thử nghiệm khác nhau trong 56 ngày

 

Tôm được cho ăn chế độ ăn bổ sung 1% chiết xuất quả nhàu (T2) và 2% chiết xuất quả nhàu (T3) cho thấy các chỉ số tăng trưởng được cải thiện đáng kể (WG, DWG và SGR); tuy nhiên, không thấy sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm cuối cùng (đối chứng và bổ sung 0,5% chiết xuất quả nhàu T1). Về tỷ lệ sống các nhóm T1, T2 và T3 cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng. Việc áp dụng chiết xuất quả nhàu vào chế độ ăn của tôm làm giảm đáng kể tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR) của tôm thẻ chân trắng, với giá trị thấp nhất (1,26 ± 0,73) được ghi nhận ở nhóm T3.

Hoạt động của enzyme tiêu hóa

Các giá trị hoạt độ amylase trong đối chứng (T0) khác biệt đáng kể so với các giá trị trong các nhóm khác (T1, T2 và T3) ở lần lấy mẫu đầu tiên (ngày 14). Kết quả tương tự cũng được quan sát thấy vào ngày thứ 42. Nhóm T3 ghi nhận giá trị hoạt động amylase cao nhất vào ngày thứ 56 và quan sát thấy sự khác biệt đáng kể so với nhóm đối chứng (Hình 1a).

Hoạt tính protease ở tất cả các nhóm nghiệm thức có xu hướng tăng cho đến ngày thứ 28 của thời kỳ nuôi và sau đó giảm nhẹ về cuối thí nghiệm. Giá trị hoạt tính protease tăng lên khi tăng nồng độ chiết xuất quả nhàu (Hình 1b). Vào ngày 14 và 28, hoạt tính protease cao nhất được ghi nhận ở nhóm T3, trong khi giá trị thấp nhất được quan sát thấy ở nhóm đối chứng tại những thời điểm này. Vào ngày thứ 56, nồng độ protease của nhóm T3 cao hơn đáng kể so với các nhóm khác.

Hình 1. Hoạt động của amylase (a) và protease (b) ở tôm thẻ chân trắng trong thử nghiệm cho ăn 56 ngày với việc bổ sung chiết xuất từ quả nhàu

Thách thức về độ mặn thấp và nồng độ amoniac cao

Tỷ lệ sống của ba nhóm thử nghiệm cao hơn nhóm đối chứng (T0) sau 24 giờ tiếp xúc với độ mặn thấp; tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể nào được quan sát giữa nhóm T1 và T2 hoặc giữa nhóm T2 và T3 (Hình 2a). Kết quả tương tự cũng được quan sát thấy khi phơi nhiễm trong 96 giờ. Sau khi trải qua stress khi tiếp xúc với amoniac trong 24, 72 và 96 giờ, tỷ lệ sống của nhóm T0 tại các thời điểm này thấp hơn so với nhóm T2 và T3 (Hình 2b). Tuy nhiên, không thấy sự khác biệt đáng kể giữa nhóm T0 và T1.

Hình 2 . Tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng cho ăn khẩu phần có chứa chiết xuất từ quả nhàu sau khi tiếp xúc với độ mặn thấp (a) hoặc stress amoniac cao (b)

Kết luận

Những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy rằng chiết xuất từ quả nhàu có thể cải thiện các thông số tăng trưởng, hoạt động của amylase và protease cũng như khả năng chống chịu độ mặn hoặc stress amoniac ở tôm thẻ chân trắng khi dùng làm phụ gia thức ăn. Do đó, việc bổ sung chế độ ăn với chiết xuất quả nhàu có thể là một giải pháp thay thế cho thuốc kháng sinh hoặc hóa học như chất kích thích tăng trưởng trong nuôi tôm. Dựa trên những phát hiện này, nồng độ chiết xuất quả nhàu được khuyến nghị cho sự phát triển của tôm nằm trong khoảng từ 1 đến 1,5%.

“Effects of noni fruit extract on the growth performance, digestive enzymes, and stress tolerance of juvenile whiteleg shrimp (Litopenaeus vannamei)” được nghiên cứu bởi tác giả Phan Thị Cẩm Tú & cs. (2023) Trường Đại học Cần Thơ

Ngọc Anh (Lược dịch)