Để mô hình nuôi vọp vỗ béo thành công, khâu xử lý độ kiềm và độ pH, làm sạch đáy ao rất quan trọng. Bên cạnh đó, con giống được bà mua từ các tỉnh ven biển như Kiên Giang, Bạc Liêu về thả nuôi đạt kết quả hơn 90% trên tất cả các vụ nuôi.
“Thay vì thả vọp giống nhỏ, tôi mua vọp được người dân ven biển khai thác, đạt trọng lượng khoảng 25 con/kg với giá 22.000 đồng/kg. Sau đó đem về thả trong vuông nuôi vỗ béo, rút ngắn được thời gian nuôi. Với diện tích 1 ha, tôi thả 10 tấn giống/vụ, mỗi năm 1 vụ”, bà Tây chia sẻ.
Gọi là nuôi vỗ béo nhưng thực chất là vọp được thả nuôi phát triển tự nhiên trong vuông. Vì vậy, phần thịt rất lớn, ngon, ngọt. Khi thu hoạch, vọp đạt trọng lượng 10-12 con/kg, có giá 45.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, bà Tây thu về lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, bà Tây còn kết hợp với 2 vụ tôm, cua trong vuông nuôi vọp. Từ đó, thu nhập cũng tăng lên đáng kể.
Bà Tây nói thêm: “Trước khi thả nuôi, tôi phải sên đổi mặt đất hết. Sau đó xử lý cho môi trường nước ổn định. Cũng như nuôi tôm, khi nước tốt, vào thời điểm thích hợp (khoảng tháng 4 âm lịch, bắt đầu mùa mưa) mới thả con giống nuôi. Khoảng 5 tháng sau là bắt đầu thu hoạch dần đến qua Tết. Nhờ là vùng nước không quá mặn, nên tỷ lệ hao hụt khoảng 10%”.
Xuất phát từ ý tưởng ban đầu là làm sao nuôi vọp ngay trên vùng đất mình sinh sống để kết hợp chế biến món ăn với cây bồn bồn, bà Tây đã mạnh dạn bắt tay vào thực hiện. Không chỉ là món ngon dân dã quê nhà, mà vọp và bồn bồn còn được khách du lịch rất ưa chuộng.
Anh Lâm Hoàng Sa, Trưởng ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, cho biết: “Hiện tại trên địa bàn ấp có 2 hộ nuôi vọp vỗ béo với diện tích khoảng 2 ha, đạt hiệu quả kinh tế cao. Vọp khá dễ nuôi, dễ tiêu thụ, được thương lái thu mua và người dân ưa chuộng. Đặc biệt là khi vọp kết hợp với đặc sản bồn bồn của địa phương trở thành món ngon được nhiều người ưa thích”.