Nuôi tôm thẻ chân trắng trong mùa mưa và một số lưu ý

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là những cơn mưa bất chợt, kéo dài sẽ tạo điều kiện xuất hiện các mầm bệnh tiềm ẩn trong ao nuôi, ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm thẻ chân trắng và hiệu quả mô hình của người nuôi. Vì vậy, người nuôi tôm cần có các biện pháp xử lý và chăm sóc tôm nuôi phù hợp.

Người nuôi phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra các thông số môi trường như: Nhiệt độ, DO, pH… trong ao nuôi tôm

Tăng cường hệ thống quạt nước

Thường xuyên theo dõi và cập nhật dự báo thời tiết, để có biện pháp ứng phó kịp thời, không cho tôm ăn khi đang mưa; chuẩn bị tốt hệ thống điện và dàn quạt để cung cấp tối đa lượng oxy cho ao nuôi. Theo các chuyên gia thủy sản, cứ mỗi một cánh quạt cung cấp đầy đủ oxy cho 2.800 con tôm từ lúc mới thả đến khi thu hoạch. Chính vì vậy, người nuôi tôm cần tăng cường hệ thống quạt nước, oxy đáy ao, cần lắp cánh quạt theo đúng yêu cầu kỹ thuật để mùn bã hữu cơ được gom vào giữa ao.

Quản lý các loại khí độc, pH trong ao nuôi tôm

Các loại khí độc trong ao tôm như H2S, NH3, NO2,… sinh ra do thức ăn dư thừa, xác tảo tàn, vỏ lột của tôm, chất thải của tôm nuôi bị phân hủy dưới đáy ao trong điều kiện thiếu oxy. Khi trời mưa, tảo thiếu ánh sáng mặt trời để quang hợp, tảo sẽ tăng cường hấp thụ oxy trong nước dẫn đến hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp, khí độc sẽ sinh ra nhiều khiến cho sức khỏe của tôm bị suy giảm và dễ nhiễm bệnh. Để giảm hàm lượng các loại khí độc có trong ao nuôi tôm cần siphon đáy ao, đồng thời tăng cường quạt nước nhằm bổ sung lượng oxy hòa tan trong nước. Tiến hành thay nước từ từ và sử dụng các loại chế phẩm sinh học để loại trừ khí độc hiệu quả.

Trong ao nuôi, độ pH luôn phải đạt từ 7,5 – 8,5. Sau khi mưa, một lượng axit trong nước mưa sẽ làm pH giảm xuống và có thể gây sốc cho tôm. Do đó, để giúp tôm không bị sốc sau khi mưa, cần bón vôi bổ sung cho ao nuôi (tùy theo độ pH để bón). Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng phân tầng nước, người nuôi tôm cần chú ý kết hợp quạt nước. Trước khi có dấu hiệu của những cơn mưa, cần rải vôi dọc bờ ao.

Quản lý lượng thức ăn

Khi trời mưa, nhiệt độ nước giảm tôm sẽ giảm ăn. Khi nhiệt độ nước giảm đột ngột 1o C, tôm sẽ giảm ăn từ 5 – 10%, Khi nhiệt độ nước giảm đột ngột 3o C, tôm sẽ giảm ăn tới 30 – 50%. Trong lúc trời mưa lớn, người nuôi nên ngừng cho tôm ăn, có giải pháp để nhanh chóng tháo lớp nước mưa trên mặt ra khỏi ao và chờ đến khi ngớt mưa thì cho ăn với số lượng giảm 30 – 50% lượng thức ăn bình thường. Điều này nhằm hạn chế thức ăn dư thừa, kiểm soát tảo lục phát triển mạnh, tránh pH nước ao nuôi tôm biến động quá lớn trong ngày và hạn chế tôm bị đóng rong.

Để đảm bảo sức đề kháng và tránh cho tôm nuôi bị mềm vỏ, nên bổ sung các loại vitamin C, vitamin tổng hợp và khoáng chất vào thức ăn hàng ngày để chống sốc cho tôm. Đồng thời  bón thêm chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để bổ sung các nhóm vi khuẩn có lợi cho tôm và xử lý nước ao nuôi.

Ngọc Anh (Tổng hợp)