Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm

Những năm gần đây, tốc độ phát triển nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ nói chung và nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nói riêng ở Quảng Bình ngày càng tăng về diện tích lẫn sản lượng. Năm 2019, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là 226 ha, sản lượng đạt 2.097 tấn. Mặc dù, diện tích và sản lượng tăng nhưng người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng.

Mặc dù, diện tích và sản lượng tăng nhưng người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng. Ngoài nguy cơ về dịch bệnh, sự biến đổi bất thường của thời tiết, thị trường tiêu thụ không ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, người nuôi chưa nhận thức được vấn đề an toàn thực phẩm, tình trạng sử dụng thuốc dư lượng kháng sinh và hoá chất độc hại vẫn còn tồn tại.

Nhằm hạn chế tình hình trên, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, quy mô 1,5ha, với 3 hộ tham gia.

Mô hình được thực hiện với mục tiêu giúp người dân ứng dụng được những tiến bộ kỹ thuật vào quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế dịch bệnh, gắn kết người sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm tạo sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển.

Khác với nuôi tôm truyền thống là thả giống trực tiếp xuống hồ nuôi thì mô hình chia quy trình nuôi thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là quá trình ương: tôm giống được thả vào ao ương có diện tích nhỏ để dễ theo dõi quá trình phát triển của tôm, hay những biến động của thời tiết, nguồn nước ảnh hướng đến ao nuôi, nhờ đó con tôm chắc, khoẻ, sức đề kháng mạnh hơn, tỷ lệ sống cũng cao hơn. Giai đoạn 2 là sau khi tôm được 30 ngày tuổi sẽ tiến hành san qua ao nuôi và nuôi cho đến khi tôm đạt trọng lượng thương phẩm.

Với hình thức nuôi này, người nuôi tôm sẽ quay vòng vụ nhanh, năng suất cao hơn 2-3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống. Mặt khác, trong quá trình nuôi các hộ thực hiện việc ghi nhật ký, hồ sơ đầy đủ về quá trình thực hiện để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc. Cách bảo quản thức ăn, hoá chất, tăng cường các chế phẩm sinh học, sử dụng thuốc và hoá chất đúng theo quy định đảm bảo an toàn thực phẩm

Sau hơn 5 tháng nuôi, cho thấy tỷ lệ sống của tôm tại các hộ đạt trung bình 72,7%, trọng lượng trung bình khoảng 56 con/kg, năng suất đạt hơn 10,3 tấn/ha.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, chủ hộ mô hình cho biết năm nay, gia đình ông dành 0,5 ha để nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn sinh học. Ông thấy với việc nuôi tôm 2 giai đoạn, tỉ lệ sống của tôm cao hơn, trước kia khoảng trên 50%, nay hơn 70%. Hiệu quả kinh tế cũng thế mà nâng cao, mặc dù tôm bán trong tình hình dịch Covid diễn ra, giá tôm trên thị trường xuống thấp hơn mọi năm nhưng hiệu quả mang lại vẫn cao hơn nuôi tôm truyền thống trước đây.

Mô hình tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm tại hộ ông Nguyễn Ngọc Thanh

Chị Hồ Thị Thuỷ, Phó Phòng chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cho hay: Mô hình triển khai từ nguồn vốn của Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế. Mô hình đã giúp người nuôi tôm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mô hình phù hợp với các ao nuôi tôm lâu năm, kém hiệu quả, đặc biệt là nuôi tôm trên cát. Với hình thức nuôi tôm 2 giai đoạn sẽ góp phần hạn chế được dịch bệnh và nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi, giảm chi phí trong quá trình nuôi tôm.

Qua hiệu quả từ mô hình đã có tác động tích cực đến các chủ hồ nuôi trong vùng, được người nuôi tôm trên địa bàn đánh giá cao và mong muốn được áp dụng vào sản xuất. Mô hình không những mở ra hướng nuôi mới có hiệu quả mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững…

Thuỳ Trang -Trung tâm KNKN Quảng Bình