Nông nghiệp Bạc Liêu: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nuôi tôm

Trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19 đã gây trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến, hoạt động xuất nhập khẩu và tiêu thụ nông, thủy sản. Để phục hồi sau dịch, ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để 6 tháng cuối năm các chỉ tiêu phải đạt và vượt kế hoạch đề ra.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh COVID-19, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Nông nghiệp và nông dân trong công tác phòng chống hạn mặn, điều tiết nước nên kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Đó là cơ bản bảo vệ được diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và khống chế không cho mặn xâm nhập nên mặc dù có thiệt hại nhưng không lớn. Các chỉ tiêu của ngành đều đạt theo lộ trình kế hoạch năm 2020 đã đề ra. Trong đó, sản lượng lúa tăng 8,06%, thủy sản tăng 2,14% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng tôm tăng 11,36%. Đặc biệt, sản lượng muối tăng đột biến (74,83%) do thời tiết thuận lợi cho sản xuất.

Ngoài ra, các địa phương và ngành Nông nghiệp đã thi công 189 công trình với chiều dài 424,4km, đảm bảo nguồn nước phuc vụ cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có 35 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 4 xã được công nhận NTM nâng cao …

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như thiếu nước ngọt cục bộ làm hơn 252ha lúa đông xuân ở TX. Giá Rai bị thiệt hại. Từ giữa tháng 3 trở đi, nhiệt độ tăng cao ở mức 350C làm độ mặn trong các ao vuông tăng hơn 300/00, gây bất lợi cho nghề nuôi tôm. Theo đó, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại gần 6.800ha, tăng 67,90% so với cùng kỳ.

Mặc khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh nhưng giá vật tư lại tăng khiến cho người nuôi tôm không an tâm sản xuất. Các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu giảm từ 30 – 50%. Còn giá heo hơi tăng cao và khan hiếm heo giống nên các hộ chăn nuôi tái đàn rất chậm…

Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Công ty Việt Úc – Bạc Liêu

CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đề ra các giải pháp trọng tâm để cuối năm 2020 hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong 6 tháng cuối năm 2020, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, xem đây là nội dung trọng tâm, quan trọng nhất trong việc phát triển ngành tôm Bạc Liêu. Theo đó, ngành sẽ phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan tạo mọi điều kiện để thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Từ đó, làm cơ sở lan tỏa và từng bước đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ triển khai Đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm – lúa và mô hình tôm sạch, lúa an toàn vùng Bắc Quốc lộ 1A; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm và lúa; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, sớm hoàn chỉnh các thủ tục, điều kiện để công nhận vùng nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh, xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm; mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông, lưới điện… phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Hướng dẫn lịch thời vụ sản xuất các vụ lúa năm 2020; chăm sóc, bảo vệ và phòng trừ các loại sâu bệnh trên các trà lúa. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Xây dựng mô hình cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ lúa gạo; xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST24 và ST25 trong năm 2020. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp nhằm ổn định phát triển chăn nuôi, quan tâm đến chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Về xây dựng NTM, phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 49/49 xã đạt chuẩn NTM, có ít nhất 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng đợt II/2020. Hướng dẫn các chủ thể trong việc sử dụng, in logo và thứ hạng sao trên sản phẩm OCOP…

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu