Những nơi không biết sợ hạn, mặn

Tôm càng xanh đối tượng được chọn tăng thu nhập đáng kể cho người dân nuôi ở mô hình lúa tôm ngoài con tôm sú (ảnh Nhật Hồ)

Dự báo năm nay xâm nhập mặn sâu vào đất liền, mức độ tàn phá hơn cả đợt hạn, mặn năm 2015 – 2016. Những thiệt hại ban đầu đã được đo, đếm. Tuy nhiên, có nhiều nơi người dân không cần chống bởi hơn ai hết họ biết rằng không thể chống lại thiên nhiên mà hòa mình vào thiên nhiên tồn tại, phát triển.

Lúa chất lượng cao trong mô hình lúa – tôm có giá rất cao (ảnh Nhật Hồ)

Hơn 3 năn nay, những người dân sản xuất lúa – tôm không chỉ biết nuôi con tôm mỗi khi nước mặn về, trồng cây lúa khi mùa mưa đến. Để tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, người dân nơi đây thả tôm càng trong ruộng lúa.

Lúa chín vàng đồng cũng là lúc thu hoạch tôm càng tại huyện Phước Long (ảnh Nhật Hồ)

Thống kê của các tỉnh ven biển, diện tích nuôi tôm càng trên đất lúa tôm lên đến trên 150.000ha. Nhiều nhất là Cà Mau, trên 80.000ha, Bạc Liêu trên 40.000ha.

Sau thu hoạch tôm càng, người dân thu hoạch lúa cũng là lúc nước mặn vào người dân vùng lúa tôm chuẩn bị cho một vụ nuôi tôm sú mới (ảnh Nhật Hồ)

Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, Bạc Liêu nhận định: “Đối với vùng lúa tôm trong huyện, chúng tôi khuyến khích người dân thả tôm càng trong ruộng lúa. Khi người dân nuôi tôm thì cây lúa cũng được chăm sóc tốt hơn, do không thể dùng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy lúa được chọn cũng là lúa có khả năng chịu mặn và sản xuất theo mô hình lúa chất lượng cao”.

Thương lái thu mua tại ruộng 105.000 đồng/kg (ảnh Nhật Hồ)

Theo tính toán của huyện Phước Long, thu nhập trung bình 1ha/năm đối với mô hình lúa, tôm càng, tôm sú trong cùng diện tích trung bình 80 triệu đồng.

Tôm càng đã được “định danh” trên mảnh đất lúa -tôm ĐBSCL đã hơn 3 năm nay (ảnh Nhật Hồ)

Xâm nhập mặn, được Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng nhận định là sẽ tiếp tục diễn ra trong vài năm tới. Chính vì vậy, những nơi này khuyến khích người dân chọn lựa những cây, con đều “sống được” khi diễn biến thời tiết, khí hậu như hiện nay.

Thu hoạch tôm tới đâu, thương lái đến thu múa đến đó (ảnh Nhật Hồ)

Đó là cây lúa chịu mặn, lúa chất lượng cao, lúa sạch. Con tôm cũng được chọn là tôm sạch. Chính việc sản xuất “thuận thiên” sạch bệnh nên dù năng suất không bằng các dòng lúa đại trà nhưng bù lại giá trị cao nên người dân thu lợi nhuận khá cao.

Mô hình lúa – tôm được xác định là hiệu quả nhất trước thách thức với biến đổi khí hậu (ảnh Nhật Hồ)

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Hạn, mặn diễn ra là việc khách quan không thể cưỡng lại thiên nhiên. Tuy nhiên, muốn “thuận thiên” cũng cần có hệ thống điều tiết nước mặn, ngọt hợp lý để người dân chủ động sản xuất”.

Thực tế hạn, mặn không đáng sợ đối với người dân, nhất là người dân ở vùng lúa tôm ven biển ĐBSCL.

NHẬT HỒ

Nguồn tin: Lao Động