An Minh: Những lợi ích khi trồng lúa trên đất nuôi tôm

Xã Vân Khánh là xã có diện tích sản xuất 1 vụ tôm sú, 1 vụ lúa với 2.908 ha. Tuy nhiên do tình hình xâm nhập mặn đã làm làm ảnh hưởng đến diện tích lắp lại vụ lúa gặp nhiều khó khăn do đó các ngành chuyên môn huyện chỉ giao chỉ tiêu xã lắp lại vụ lúa là 540 ha. Vì thế nên cái nhận thức của người dân về trồng lúa trên đất nuôi tôm còn hạn chế, chưa tha thiết mặn mà với cây lúa trên đất tôm, nên sau đây là những lợi ích mà trồng lúa trên đất tôm đạt được:

– Trồng lúa trên đất nuôi tôm sẽ giúp cải tạo tốt đất canh tác nhờ vào khả năng hấp thu những chất mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, chất thải của tôm.

– Quá trình trồng lúa, bộ rễ lúa sẽ giúp đưa lượng oxy vào đất làm tăng cường hoạt động của các loài vi sinh vật có ích, giúp quá trình phân hủy các chất hữu cơ độc hại thành chất hữu cơ hữu dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa, cung cấp cho các loài phiêu sinh động vật, động vật nổi, động vật đáy… phát triển mạnh, làm phong phú chuỗi thức ăn tự nhiên trong ruộng nuôi cung cấp thức ăn cho tôm phát triển.

– Khi hệ sinh vật có ích hoạt động mạnh giúp quá trình lọc sinh học diễn ra nhanh hiệu quả, không làm phát sinh tảo xấu, đáy vuông sạch, không mùi, chất lượng nước rất tốt và ổn định các yếu tố môi trường như pH, độ mặn, độ trong, độ kiềm, oxy hòa tan… tái lập sự cân bằng sinh thái, giúp quá trình nuôi tôm an toàn hiệu quả.

– Quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa có tác dụng cắt mầm bệnh gây hại từ vụ nuôi tôm này sang vụ nuôi tôm khác, hạn chế sự suy thoái đất đai do nuôi tôm liên tục nhiều năm.

– Giúp cân bằng được hệ sinh thái trong ruộng nuôi vì có sự phân bố hài hòa giữa động vật (là tôm sú) và thực vật (điển hình là lúa).

– Sau khi thu hoạch lúa, gốc rạ để lại trong vuông nuôi là nguồn dinh dưỡng tốt sẽ giúp cho hệ phiêu sinh vật và hệ động vật đáy phát triển tạo nên chuỗi thức ăn tự nhiên cho tôm, chống suy thoái sinh thái đồng ruộng.

– Giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là đối với vụ trồng lúa, tiết kiệm chi phí làm đất, phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật.

– Cung cấp nguồn lương thực tại chỗ, phát triển kinh tế phụ chăn nuôi. Nông dân có điều kiện tích lũy nguồn thu từ trồng lúa và nuôi tôm giúp nâng cao thu nhập, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất.

– Tạo ra sản phẩm (lúa, tôm) sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nâng cao giá trị gia tăng cho cây lúa./.

Qua những lợi ích trồng lúa trên đất nuôi tôm đạt được trên đây, mong rằng người dân sẽ hiểu hơn về lợi ích của việc trồng lúa trên nền đất tôm để canh tác trên mảnh đất của mình ngày một bền vững hơn, góp phần năng cao kinh tế trong sản xuất nói chung, và bảo vệ môi trường chống lại sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu nói riêng.

Đinh Thị Ngọc Bền

Nguồn: Khuyennongkiengiang.com.vn