Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản là những ngành quan trọng, cung cấp thực phẩm và tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho một phần lớn dân số trên toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 đang diễn ra là một cú sốc lớn, có tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, thì nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng là những ngành phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về những khía cạnh tác động, năng lực đối phó và khả năng phục hồi của ngành thủy sản trong bối cảnh đại dịch của toàn nhân loại.
Cũng như các ngành nghề khác, thủy sản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Ảnh: Van Phong Bay, Flickr
Như chúng ta đã biết, do dịch bệnh phức tạp nên chính phủ đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại cho người dân, cũng như vận chuyển hàng hóa dịch vụ, chỉ trừ những trường hợp thật sự cần thiết. Đây có thể coi là giai đoạn khó khăn và thử thách nhất cho ngành thủy sản nói riêng và hầu hết các ngành sản xuất khác nói chung. Điều này làm gián đoạn sinh kế của những người sản xuất cũng như đánh bắt thủy sản.
Tác động đến nuôi trồng thủy sản
Sản lượng nuôi trồng bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch, lượng con giống trở nên hạn chế do vận chuyển đình trệ, giá cá giống đang tạm thời tăng cao. Việc cá chết hàng loạt trong ao do dịch bệnh, đã xảy ra từ trước dịch, sau đó đại dịch đã làm trầm trọng thêm thiệt hại cho người nuôi, họ không thể tiếp cận với những thứ cần thiết cũng như hạn chế việc bán ra ngoài. Một số hộ nuôi khác cho biết, họ lo sợ nên thu hoạch khi cá chưa đạt kích cỡ, dẫn đến việc giảm lợi nhuận, điều này sẽ hạn chế khả năng đầu tư vào ao nuôi ở những vụ sau.
Người nuôi không thể tiếp cận với những thứ cần thiết cũng như hạn chế việc bán ra ngoài. Ảnh: Tấn Phát.
Chi phí thức ăn công nghiệp vẫn tương đối ổn định, nhiều nơi vẫn còn tích trữ khá nhiều. Tuy nhiên việc hạn chế khả năng đi lại, khiến các nhà cung cấp khó nhập đầy đủ nguyên liệu để sản xuất thức ăn. Việc mua dự trữ nguyên liệu hiện tại là không dễ dàng, và nếu không may doanh nghiệp sản xuất này bị đóng cửa do có ca nhiễm, thì cảnh tôm cá thiếu thức ăn là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó kích thước của tôm cá sẽ bị ảnh hưởng. Người nuôi tôm cá cũng bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn đầu vào như con giống và thức ăn, do phải vận chuyển qua các chốt kiểm dịch giữa các tỉnh, ngay cả khi khoảng cách chỉ là vài km. Một điều may là lao động trong các trại nuôi thường có nguồn gốc địa phương, nên vẫn có thể tiếp tục các hoạt động sản xuất.
Tác động đến đánh bắt thủy sản
Đánh bắt quy mô nhỏ đóng một vai trò không thể thiếu, vừa là sinh kế nuôi sống gia đình, vừa là nguồn cung cấp thủy hải sản cho người dân ở khu vực lân cận. Khi nghề “hạ bạc” bị hạn chế vào thời điểm dịch bệnh, thì rất khó để tìm được các công việc khác. Tàu đánh cá công suất lớn muốn ra khơi thì phải có giấy phép khai thác, phải hoạt động đúng ngư trường, không được khai thác ở vùng biển nước ngoài, phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và bật liên tục trong quá trình hoạt động, trước khi ra vào cảng đều phải thông báo.
Sinh kế từ đánh bắt thủy sản bị hạn chế bởi đại dịch. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Tuy nhiên, hiện nay khoảng 40-50% các tàu khai thác thủy sản đã nằm bờ, làm công suất giảm hơn 50%. Việc khai thác còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường, các loài có giá trị kinh tế cao, các biện pháp vệ sinh, khử trùng (giãn cách giữa các thuyền viên, đeo khẩu trang…). Thậm chí có thể giảm hoặc ngừng hoạt động do nguồn cung nước đá, thiết bị, mồi bị hạn chế do các cơ sản này bị đóng cửa, thiếu các trang thiết bị để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thuyền viên.
Gián đoạn thị trường
Dễ thấy nhất là khi sản lượng xuất khẩu bị hạn chế, ranh giới giữa một mặt hàng thủy sản có giá cao ngất ngưỡng với mặt hàng có giá trị thấp là rất mong manh. Để có thể bán được trong thị trường nội địa, chỉ có thể giảm giá.
Chuỗi cung ứng đứt gãy, ánh mắt người nuôi nhỏ lẻ càng thêm lo âu. Ảnh: zibik
Những hộ nuôi lớn có khả năng liên kết với các doanh nghiệp, dù phải qua nhiều công đoạn vận chuyển, tuy nhiên chí ít tôm cá của họ vẫn xuất bán được. Còn đối với những hộ nhỏ lẻ thì thật sự không dễ dàng trong tình hình này. Chợ không hoạt động, nên đa số họ chỉ có thể tiêu thụ sản phẩm của mình ngay tại địa phương. Do mất việc nên người dân cũng không mặn mòi với việc mua tôm cá, thủy sản trở thành một thị trường rất rối loạn.
Các giải pháp ứng phó trước mắt
Có nhiều giải pháp đối phó đã xuất hiện trong cộng đồng như mua hàng trực tuyến, bán sản phẩm trong khu vực hoặc đa dạng hóa sản phẩm của chính họ. Nhờ vào mức độ sử dụng facebook cao ngay cả ở những vùng nông thôn, nên việc mua bán trực tuyến tôm cá ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Người bán chia sẻ những sản phẩm của họ trong một nhóm cộng đồng nhỏ, nơi mà việc di chuyển của họ không bị hạn chế. Các đơn đặt hàng được thực hiện trực tuyến và hàng hóa được giao đến tận nhà của người mua. Việc mua online này lại khả thi hơn, khi người bán biến tôm cá thành những món ăn hấp dẫn, đồng nghĩa với việc tăng giá trị của sản phẩm.
Facebook bỗng nhiên trở thành chợ thủy sản nhộn nhịp. Ảnh: Hà Tử
Ngoài các thị trường trực tuyến, các hộ nuôi cũng đối phó với việc gián đoạn thị trường bằng cách thường xuyên bán tôm cá cho cộng đồng trong khu vực của họ. Giá bán ở đây thường thấp hơn ở chợ, nhưng dù vậy thị trường này cũng giải quyết phần nào vấn đề đầu ra cho người nuôi. Điều thuận lợi là họ không phải đi xa, giảm được chi phí vận chuyển. Mặt khác, cũng góp phần cung cấp thực phẩm cho người dân khi việc di chuyển và thu nhập bị hạn chế trong thời điểm này.
Các thành viên mất việc trong hộ gia đình có thể tận dụng nguồn tôm cá nuôi, nấu ăn tại nhà và đi giao trong khu vực gần đó để tìm thêm nguồn sinh kế. Ngoài ra, việc tự trồng rau, nuôi cá cũng giảm bớt những tác động tiêu cực của việc tiếp cận thị trường. Họ vẫn có thực phẩm để sử dụng dù vẫn ở tại nhà. Đối với một số ngư dân, việc có những người họ hàng khá giả cũng giúp họ đối phó với tình trạng dịch bệnh hiện tại, thông qua việc bán hàng mà đôi bên cùng có lợi này. Việc sử dụng tôm cá như một nguồn hàng cứu trợ ở những hộ nuôi khá giả cũng đang được nhân rộng, thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.
Tự cung tự cấp trở thành “trào lưu” trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. Ảnh: Aqua Xanh
Nhiều gia đình phụ thuộc vào nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, là nguồn sinh kế chính, cũng là những người đang phải đối mặt với sự căng thẳng của đại dịch. Họ rất cần sự hỗ trợ của chính phủ trong việc phân bổ lại giá cả hợp lý, nguồn trợ cấp hay hỗ trợ thêm cho việc vận chuyển thủy sản. Dịch Covid -19 có lẽ vẫn đang tiếp tục kéo dài, do đó những người nuôi trồng và đánh bắt cần nỗ lực và cân nhắc kỹ những quyết định của mình. Hy vọng Chính phủ sẽ sớm giải quyết bất cập, ổn định lại thị trường để giải quyết phần nào khó khăn cho ngành thủy sản cũng như những ngành liên quan khác trong tình hình phức tạp của đại dịch.
Nguồn tin: TSTB