Nam Định phát triển mô hình nuôi tôm Vietgap theo hướng bền vững

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm tại các địa phương gặp nhiều khó khăn do tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra. Trước thực trạng đó nhằm nâng cao sản lượng, hiệu quả kinh tế giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, năm 2019 Chi cục quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản tỉnh Nam Định đã tiến hành hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap. Sau một thời gian thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra triển vọng mới cho người nuôi tôm phát triển theo hướng bền vững.

Nuôi tôm VietGap – hướng đi bền vững

Anh Nguyễn Văn Cường ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định là hộ nuôi tiêu biểu đi đầu trong chương trình khuyến khích nuôi tôm theo công nghệ Vietgap chia sẻ: “Làm theo mô hình Vietgap rất tốt, bởi thực sự nuôi tôm ngày càng khó, chúng tôi phải áp dụng rất nhiều các quy trình để nuôi, nhưng nếu áp dụng đúng theo quy trình Vietgap con tôm xuất bán ra đã được đảm bảo về chất lượng, nên đầu ra ổn định, đáp ứng được các tiêu chí cao của thị trường. Tiếp vấn đề về môi trường trong nuôi tôm cũng được đảm bảo hơn”. Để tính toán khối lượng thức ăn cung cấp cho tôm trong một ngày ở mỗi ao với diện tích 1000m2, anh Cường cho đặt từ mỗi ao 4-5 chiếc nhá, với cách làm của mình ảnh Cường sẽ tiết kiệm được chi phí thức ăn từ 25-30%. Điều này có được là từ khi anh tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap.

Trong suốt quá trình nuôi tôm Vietgap, các thông số về khối lượng thức ăn từng ao sẽ được hộ nuôi ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ “nhật ký ao nuôi”. Ghi sổ nhật ký ao nuôi là yêu cầu bắt buộc trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình Vietgap. Điểm khác biệt của mô hình này là tôm được sản xuất theo quy trình an toàn, hộ nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên được thị trường đón nhận. Ngoài ra, khi nuôi tôm theo tiêu chuẩn Vietgap, mật độ nuôi thả giống thưa hơn so với thâm canh truyền thống. Với mật độ nuôi tôm thấp cùng với chế độ chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý, tuân thủ đúng quy trình vệ sinh phòng bệnh tôm nuôi sẽ phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh. Trong suốt quá trình nuôi chỉ dùng các loại thuốc, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành từ khâu nhập con giống, thức ăn, cải tạo ao nuôi đến thu hoạch, xử lý chất thải sau thu hoạch. Theo anh Cường nếu làm tốt kỹ thuật, tỷ lệ tôm sống đạt trên 90%, tôm sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch sau 70 -90 ngày, năng suất trung bình ước đạt 22-25 tấn/ha/vụ, trừ chi phí gia đình anh thu lãi 100-150 triệu đồng/ha. Qua kiểm tra đánh giá các thông số, tháng 12/2019, Chi cục quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản đã cấp giấy chứng nhận VietGap cho cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của trang trại anh Nguyễn Văn Cường với quy mô 6400 m2.

Để áp dụng và làm đúng theo quy trình Vietgap, người nuôi tôm cũng rất vất vả. Nhưng để đảm bảo chung trong vấn đề nuôi tôm cho toàn vùng thì đây là một quy trình nên được áp dụng rộng rãi. Trước đây, giống như nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong xã, gia đình ông Trần Hữu Lợi, xã Tân Hồng, Giao Thiện, Giao Thủy thực hiện nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh với 1 vụ/năm. Sau đó thu hoạch và thực hiện nuôi xẽn kẽ với các loại đối tượng thủy sản khác. Việc nuôi tôm quảng canh phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, gia đình cũng ít đầu tư, quan tâm đến việc nuôi thả nên hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên gần đây, ông Lợi đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng ao nuôi, mua sắm trang thiết bị, máy móc và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình Vietgap. Trong suốt quá trình nuôi tôm, ông Lợi cũng ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ nhật ký ao nuôi. Một năm ông nuôi từ 3-4 vụ, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, ít phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ nuôi, vì vậy mà năng suất trung bình từ 10-15 tấn/ha/vụ, cao gấp 10-15 lần so với nuôi theo hình thức bán thâm canh, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Ông Lợi chia sẻ, thời gian đầu, ông và các hộ nuôi trong vùng được nhà nước tổ chức cho các lớp tập huấn và hướng dẫn các kỹ thuật, quy trình để nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Vietgap. Địa phương đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu và được nhà nước tạo mọi điều kiện xây dựng quy trình nuôi Vietgap cũng như cấp giấy chứng nhận sản phẩm tại địa phương. Ông cũng chia sẻ thêm, nuôi tôm theo quy trình Vietgap, tiêu chuẩn đầu vào cũng sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì thế tôm bán ra đảm bảo được chất lượng.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn Vietgap của trang trại anh Cường và ông Lợi là hai trong số những mô hình nuôi trồng thủy sản được Chi cục quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận Vietgap. Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Vietgap giúp cơ sở khẳng định sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mô hình nuôi tôm Vietgap mở ra triển vọng mới cho hộ nông dân, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra sản phẩm để phát triển bền vững.

Nhưng chưa thể áp dụng đồng bộ rộng rãi cho các hộ nuôi

Trưởng phòng Quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản Nam Định, ông Nguyễn Xuân Ánh cho biết: “Triển khai mô hình quản lý chất lượng đồng bộ, trong đó có mô hình VietGap, là hướng đi mà Bộ NN&PTNT đang định hướng rất rõ ràng, bởi chỉ có hướng sản xuất an toàn bền vững như Vietgap thì sản phẩm của Việt Nam mới có thể khẳng định được vị thế, đảm bảo chất lượng và phù hợp với thị trường quốc tế”.

Tuy nhiên, theo ông Ánh chia sẻ, không phải hộ nào cũng có thể áp dụng được quy trình nuôi Vietgap. Bởi mô hình đòi hỏi vốn đầu tư cao, bước đầu, khi áp dụng triển khai đưa mô hình này đến với các cơ sở, Cục quản lý cũng đã phải chọn ra những hộ nuôi có tiềm lực và vốn đối ứng thích hợp.

Về phía quản lý nhà nước, trong những năm tới, Cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản sẽ tiếp tục rà soát tìm kiếm những mô hình để xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu ổn định. Tìm kiếm những phân khúc thị trường yêu cầu chất lượng sản phẩm an toàn, sạch để nâng cao giá thành. Tiếp tục lựa chọn, tìm kiếm các cơ sở đủ điều kiện để triển khai, tạo thành vùng cơ sở sản xuất tập trung, tạo thương hiệu cho tôm Nam Định.

Toàn tỉnh Nam Định hiện có 15 mô hình Vietgap nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 130 tấn/năm, trong đó tôm nước lợ khoảng 100 tấn chiếm 9,1ha. Để hỗ trợ vùng nuôi phát triển bền vững, bên cạnh việc xác định các mối nguy về môi trường, dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng Vietgap, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản tỉnh Nam Định đang tiến hành xây dựng quy trình quy phạm, sổ tay nuôi tôm, kiểm tra giám sát dịch bệnh, con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học… Tổ chức quản lý vùng nuôi ứng dụng Vietgap, tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý môi trường dịch bệnh. Ngành chức năng cũng hỗ trợ kiểm tra chất lượng, chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản, tạo điều kiện cho cơ sở lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.

Thực tế cho thấy, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn Vietgap không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Nhưng để nhân rộng thì còn rất nhiều những khó khăn trở ngại.

Với hiệu quả mô hình Vietgap mang lại, trong năm 2020 tỉnh Nam Định tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân xây dựng thêm 10 mô hình với mức hỗ trợ 80 triệu đồng/ một mô hình. Từ triển vọng của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng Vietgap, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản tỉnh Nam Định thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình Vietgap, tạo cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp thu mua, nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn đầu ra sản phẩm, có cơ chế ưu đãi cho sản phẩm tôm sạch với chủ trương khuyến khích nhân rộng mô hình Vietgap tới các cơ sở nuôi tôm lớn trên địa bàn tỉnh.

Ảnh: Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Vietgap của anh Nguyễn Văn Cường xã Hải Đông, Hải Hậu