Nam Định: Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm trong nhà bạt tại Giao Thiện

Chúng tôi về xã Giao Thiện (Giao Thủy, Nam Định) vào những ngày cuối tháng 9, đúng dịp chuẩn bị vụ nuôi tôm mới phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nên được chứng kiến không khí chuẩn bị sôi động trên các ao đầm. Xen kẽ những mái nhà bạt, những bể ao nuôi nổi đang được người dân cấp tập xây đắp, trải cát, bạt nhựa, dựng cột để mở rộng quy mô sản xuất.

Khử trùng đáy bể nổi nuôi tôm thẻ chân trắng trước khi bắt đầu vụ nuôi mới tại hộ ông Cao Văn An, ở xóm 6, xã Giao Thiện.

Sau nhiều năm nuôi tôm thẻ theo hình thức cũ: nuôi trong ao đất và đào ao lót bạt đen, bạt sọc ngoài trời không ổn định, có vụ được vụ mất nhưng tựu trung mất nhiều hơn được, cuối năm 2021, gia đình ông Cao Văn An ở xóm 6 đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang mô hình nuôi trong nhà mái bạt. Ông An cho biết: “Tôi từng nuôi tôm nhiều năm, từ nuôi trong hồ đất, hồ bạt và cũng không ít lần thất bại. Sau khi đi tham quan mô hình nuôi tôm trong nhà tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, tôi đã bàn với vợ con và quyết tâm vay vốn đầu tư. Ban đầu, tôi cũng chỉ định làm bể trong nhà để ương dèo tôm giống và chuyển dần qua nuôi thương phẩm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 ương trong bể trong nhà, giai đoạn 2 chuyển ra ao). Sau này, gia đình tôi đã chuyển hẳn qua nuôi trong nhà mái bạt”. Để đảm bảo an toàn ổn định cho bể trong nhà mái bạt, ông gia cố mái bằng các dây inox và sử dụng cột đúc bê tông làm trụ chống. Từ 1 nhà có 3 bể diện tích mỗi bể là 100m2, ông đã dần mở rộng quy mô với 14 nhà gồm 12 bể, mỗi bể 300-400m2. Trong nhà nuôi tôm có hệ thống đèn chiếu sáng, mùa đông có mái che kín bằng nilon, mùa hè sử dụng lưới lan để đảm bảo độ thông thoáng. Qua 2 năm nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt đó là giảm thiểu chi phí nuôi, quản lý được các yếu tố môi trường nước, thức ăn một cách dễ dàng và chính xác, đặc biệt là chủ động trong thu hoạch nên không lo thương lái ép giá, giá bán lúc nào cũng cao. Ông An cho biết thêm, thời gian nuôi mỗi lứa tầm 4 tháng, cứ mỗi bể 300m2 cho sản lượng khoảng 1,2 tấn tôm thương phẩm. Năng suất đạt 14-15 tấn/vụ, cá biệt cả năm đạt hơn 30 tấn. Tính ra, nuôi tôm trong nhà cho hiệu quả cao, năng suất gấp nhiều lần so với nuôi ngoài trời.

Nằm liền kề với vùng nuôi tôm của gia đình ông An, các bể nổi nuôi tôm của ông Trần Quang Tĩnh cũng đang được các nhóm thợ nhanh tay xây thêm. Ông Tĩnh cho biết: “Với hơn 20 năm kinh nghiệm “ăn, ngủ” cùng con tôm, tôi nhận thấy mô hình nuôi tôm trong bể nổi hiệu quả cao gấp 4 lần so với nuôi tôm truyền thống ngoài trời. Nhà mái được thiết kế đặc biệt với dạng tròn, dựng cột khung thép phủ bạt có đáy dạng hình phễu, được xây nổi trên mặt đất giúp hạn chế dịch bệnh từ môi trường bên ngoài, bên trên dùng lưới che giảm bớt nắng nóng, về mùa đông có thể giữ ấm giúp tôm tránh giá rét, sinh trưởng khỏe mạnh”. Hơn thế, môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ qua phần mềm điện thoại thông minh, camera giám sát để kiểm soát nhiệt độ, độ pH, kiềm, tốc độ tăng trưởng của tôm. Do đó, nuôi tôm trong nhà mái che người dân có thể chủ động được thời vụ, lách thời tiết để có thể tăng được nhiều vụ nuôi trong năm. Trung bình 2-3 vụ/năm, tôm tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ tôm nuôi thành công đạt hơn 95%. Đặc biệt, nuôi tôm đông giáp tết, thị trường tiêu thụ mạnh, giá tăng đột biến có thể đạt 220-250 nghìn đồng/kg, người nuôi sẽ được lãi hơn. Hiện tại, chi phí xây dựng một bể nổi với diện tích 250m2 khoảng 150 triệu đồng, tuy khá cao nhưng phù hợp với các hộ nuôi đầu tư lâu dài. Dự kiến, vụ nuôi mới sắp tới, gia đình ông Tĩnh sẽ xây thêm 7 bể nuôi tôm trong nhà mái bạt. Chính vì hiệu quả nên số lượng các nhà nuôi tôm ở Giao Thiện ngày càng nhiều. Toàn xã hiện có hơn 30 nhà mái nuôi tôm; giá trị thu nhập trên 1ha diện tích đất canh tác ở đây đạt hơn 200 triệu đồng/năm.

Đánh giá về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện cho biết: Với lợi thế là địa phương ven biển nên những năm qua nhân dân nơi đây đã tích cực bám biển khai thác hải sản và mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình nuôi được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp xử lý ao nuôi và cách phòng bệnh cho các loài thủy sản, do đó đã có không ít người dân giàu lên từ biển như hộ ông Trần Hữu Lợi, ông Trần Văn Thành…

Toàn xã hiện có 61 tàu cá đánh bắt khai thác thủy hải sản; 181 hộ tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh và siêu thâm canh, 11 hộ sản xuất ngao giống với tổng diện tích nuôi trồng hơn 1.200ha. Nhiều hộ có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao lớn như anh Cao Xuân Năm với diện tích 8,7ha; Cao Văn An ở xóm 6 với diện tích 6ha; Trần Phúc Thành với tổng diện tích 29,3ha. Giá trị khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản 6 tháng đầu năm 2023 của toàn xã đạt 62,7 tỷ đồng, bằng 50,76% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát môi trường ao nuôi, áp dụng mô hình nuôi tôm trong nhà mái bạt giúp tăng năng suất, chất lượng tôm thẻ chân trắng, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa nghề nuôi trồng thủy sản của xã hướng tới bền vững, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, xã Giao Thiện tiếp tục phát triển nuôi tôm tại những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đã được quy hoạch đảm bảo diện tích nuôi tôm đạt kế hoạch đề ra. Tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; hình thành các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nuôi tôm liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm tối đa chi phí trung gian, nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm. Phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn các hộ nuôi; kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, dịch bệnh nhằm bảo vệ môi trường sinh thái kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, quy phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP) để con nuôi đạt năng suất, chất lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường./.

Đức Toàn

Nguồn: Baonamdinh.vn