Mỹ: Thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Theo VASEP, quý I/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 121 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Quý đầu năm nay, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17,6%. Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh trong tháng 1, giảm nhẹ trong tháng 2 do trùng với kì nghỉ Tết nguyên đán, xuất khẩu trong tháng 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng dương, với mức tăng nhẹ 4%.

Quý I/2024, trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (83%), tiếp đó là tôm sú (12%), còn lại là tôm loại khác. Giá trị xuất khẩu tôm sú ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất 47% so với tôm chân trắng và tôm loại khác. Trong nhóm sản phẩm tôm sú xuất khẩu, các sản phẩm tôm sú chế biến khác tăng trưởng 3 con số 145%. Trong nhóm sản phẩm tôm loại khác xuất khẩu, tôm loại khác tươi/đông lạnh tăng trưởng mạnh nhất 606%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, QI/2024

Quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đông lạnh sang Mỹ dao động từ 9,6 – 10 USD/ kg, giá tôm sú dao động từ 16,5-19,3 USD/kg. Giá trung bình tôm chân trắng và tôm sú đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ đều ghi nhận tăng nhẹ so với quý cuối năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Quý đầu năm 2024, giá trung bình xuất khẩu tôm sú tăng liên tục từ tháng 1 đến tháng 3.

Quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh sang Mỹ dao động từ 9,6 – 10 USD/ kg, giá tôm sú dao động từ 16,5-19,3 USD/kg. Giá trung bình tôm chân trắng và tôm sú đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ đều ghi nhận tăng nhẹ so với quý cuối năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Quý đầu năm 2024, giá trung bình xuất khẩu tôm sú tăng liên tục từ tháng 1 đến tháng 3.

Theo FaS.USDa, Mỹ nhập khẩu 59.668 tấn tôm, trị giá 456,5 triệu USD trong tháng 2/2024; tăng 12% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Sau 6 tháng tăng liên tiếp, nhập khẩu tôm Mỹ ghi nhận giảm 14% về khối lượng và 21% về giá trị trong tháng 1/2024 (59.629 tấn và 462,4 triệu USD). Tuy nhiên, tháng 2/2024, nhập khẩu vào Mỹ lại quay đầu tăng 12% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, với tổng cộng 59.668 tấn tôm được thông quan, trị giá 456,5 triệu USD. Tuy vậy, giá vẫn tiếp tục giảm xuống 7,65 USD/kg, thấp hơn 6% so với mức trung bình 8,09 USD/kg trong tháng 2/2023 và thấp hơn 1% so với tháng 1/2024 (7,75 USD/kg).

2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Ecuador và Việt Nam tăng, nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng nhập khẩu tôm nước ấm, tính theo mã HS với các sản phẩm tôm thịt bóc vỏ, tôm còn vỏ, tôm hấp và tôm giá trị gia tăng đạt 781.856 tấn năm 2023, giảm so với năm 2021 và 2022, tuy nhiên vẫn trên mức 2019 và 2020. Với các sản phẩm chi tiết, nhập khẩu tôm thịt, sau khi giảm từ 2021 đến 2022, ổn định trong năm 2023. Nhập khẩu tôm còn vỏ tiếp tục giảm từ 2021 đến 2023. Nhập khẩu tôm hấp và tôm bao bột tăng từ 2021- 2022, đã giảm từ 2022-2023. Hai tháng đầu năm 2024, chỉ nhập khẩu tôm hấp giảm so với cùng kỳ. Nhập khẩu tôm các loại khác ổn định.

Trong số các nguồn cung tôm nước ấm cho thị trường Mỹ, Ecuador là nguồn cung duy nhất tiếp tục tăng thị phần. Năm 2023, thị phần của Ecuador đạt 28% và lần đầu tiên đạt 30% trong 2 tháng đầu năm 2024. Thị phần của Ấn Độ dao động từ 37%-43% từ 2019-2023 và đạt 38% trong 2 tháng đầu năm 2024. Ấn Độ và Ecuador chiếm thị phần chi phối trên thị trường Mỹ, thị phần của 2 nguồn cung này tăng từ 52% năm 2019 lên 67% trong 2 tháng đầu năm 2024.

Trong khi Indonesia, Việt Nam và Thái Lan có thị phần giảm nhẹ. Thị phần của Indonesia từ mức đỉnh 22% năm 2022 xuống 18% trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam từ mức đỉnh 9% năm 2021 xuống 5% năm 2023, Thái Lan từ mức đỉnh 6% năm 2019 xuống 3% trong 2 tháng đầu năm nay.

Giá trị nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm mạnh hơn so với khối lượng nhập khẩu. Về xu hướng giá nhập khẩu từ các nước, giá trung bình nhập khẩu tôm Ấn Độ giảm mạnh nhất từ mức đỉnh 10,21 USD/kg hồi tháng 4/2022 xuống mức thấp 6,76 USD/kg trong tháng 2/2024.

Với nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, Ấn Độ, vào cuối tháng 3/2024, Ấn Độ vướng phải hàng loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ, không đảm bảo an toàn vệ sinh và ngược đãi công nhân. Điều này làm ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong thời gian tới.

Tháng 11/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DoC) khởi xướng điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh từ 4 nguồn cung tôm lớn cho Mỹ gồm Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và Indonesia. Ngày 25/3/2024, DoC đã ban hành kết luận sợ bộ thuế chống trợ cấp với tôm từ Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam, Indonesia nhận quyết định sơ bộ không có trợ cấp. DoC công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84% với tôm Việt Nam, thấp hơn so mức thuế tương ứng cho ngành tôm Ấn Độ và Ecuador. Sau khi DoC qua Việt Nam phúc thẩm, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, hy vọng vụ điều tra thuế chống trợ cấp từ DoC với tôm Việt Nam sẽ có kết quả tốt cho tôm Việt Nam.

Chuyên gia nhận định doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu. Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc. Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2024 diễn ra vào tháng 3/2024 có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn sang Mỹ. Các yếu tố trên kỳ vọng sẽ tạo đà cho xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm 2024.

Hảo Mai

Theo Báo cáo Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam QI/2024 – VASEP