Một số loại thức ăn sử dụng trong nuôi trồng thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, chi phí thức ăn thường chiếm khoảng 50 – 70% giá thành sản xuất. Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới năng suất nuôi, sản lượng, giá thành sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng ở từng giai đoạn phát triển giúp động vật thủy sản tiêu hóa tốt, khỏe mạnh và sinh trưởng nhanh.

Thức ăn tự nhiên

Thức ăn tự nhiên bao gồm thực vật phù du (tảo khuê, tảo lục …) động vật phù du (luân trùng, trứng nước, giáp xác chân chèo …). Thức ăn tự nhiên rất quan trọng đối với rất nhiều loài cá, giáp xác và thân mềm, đặc biệt ở giai đoạn đầu đời do chúng có kích thước nhỏ phù hợp với kích cỡ miệng của ấu trùng và rất giàu dinh dưỡng. Trong nước ao nuôi luôn có thành phần thức ăn tự nhiên đa dạng và phong phú. Do đó, người nuôi cần bổ sung thêm phân bón, chất dinh dưỡng để phát triển nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong thủy vực trước khi thả giống, sẽ giúp tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên góp phần giảm lượng thức ăn nhân tạo cần bổ sung và nâng cao năng suất.

Thức ăn tươi sống

Là sử dụng một số loài nuôi có giá trị kinh tế thấp như cá rô phi, cá mè trắng, cá tép dầu, cá mương, giun quế … làm thức ăn cho các loài thủy đặc sản như ba ba, lươn, cá chình, trắm đen … Có thể chủ động nuôi cá rô phi để cá sinh sản trong ao, khi cá sinh sản mật độ dày thì thả cá đặc sản vào nuôi, cá rô phi con sẽ được dùng làm thức ăn trực tiếp cho cá đặc sản. Nếu nuôi cá đặc sản trong lồng thì có thể khai thác cá mồi làm thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Loại thức ăn tươi sống này có hàm lượng đạm cao và phù hợp với đặc tính bắt mồi chủ động của các loài đặc sản.

Người nuôi có thể tự phối trộn thức ăn theo công thức để nuôi thuỷ sản hiệu quả

Thức ăn tự chế

Loại thức ăn này được người nuôi tự chế biến theo quy trình đơn giản. Hiện nay, người nuôi thường sử dụng rau xanh, cỏ, cá tạp, cám gạo … và phối trộn theo công thức. Sau đó thức ăn có thể được nấu chín rồi cho cá ăn, hoặc được phun nước ẩm rồi đưa vào máy ép viên, phơi khô cho cá ăn dần. Thức ăn tự chế giúp tận dụng các phụ phẩm hay các nguyên liệu sẵn có ở gia đình và địa phương, chi phí thấp, chủ động sản xuất. Tuy nhiên, thức ăn tự chế do không có chất kết dính, độ ẩm cao nên thường bị tan rã trong nước trước khi được tôm, cá ăn. Phần thức ăn tan trong nước sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, dễ phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi sử dụng nguyên liệu là cá tạp, ốc, hến … có thể là vật trung gian lan truyền dịch bệnh cho người và động vật thủy sản. Khi tự chế biến thức ăn, người nuôi cần lưu ý bổ sung chất kết dính nhằm giảm độ tan rã thức ăn trong nước, phòng bệnh cho thủy sản nuôi, đồng thời cần tính toán kỹ lượng thức ăn cần dùng theo từng giai đoạn phát triển, điều kiện môi trường, thời tiết và sức khỏe của thủy sản nuôi để hạn chế lượng thức ăn thừa trong ao.

 Thức ăn công nghiệp

Người nuôi cần lựa chọn và sử dụng thức ăn có chất lượng tốt để đem lại vụ nuôi thành công

Là thức ăn chuyên biệt được sản xuất từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có 2 loại thức ăn công nghiệp là thức ăn dạng chìm để nuôi giáp xác, một số loài cá ăn chìm và thức ăn công nghiệp dạng nổi. Thức ăn công nghiệp được sản xuất từ các thành phần nguyên liệu khác nhau như bột cá, khô dầu đậu nành, bột mì, dầu cá, các loại vitamin, enzyme, acid amin và khoáng chất … Tỷ lệ phối trộn tùy thuộc và nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn sinh trưởng của từng đối tượng nuôi. Thức ăn công nghiệp chất lượng cao có thành phần dinh dưỡng cân đối giúp tôm, cá tiêu hóa tốt, khỏe mạnh và lớn nhanh. Thức ăn công nghiệp thường được bổ sung các vitamin, khoáng chất giúp cải thiện hệ tiêu hóa, bảo vệ hệ vi sinh đường ruột, tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên giúp tôm, cá khỏe mạnh và nâng cao tỉ lệ sống. Thức ăn công nghiệp thường được bổ sung chất dẫn dụ tạo mùi vị hấp dẫn kích thích cá, tôm bắt mồi từ đó làm giảm lượng thức ăn thừa trong ao. Thức ăn thừa là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng nước và dẫn tới dịch bệnh trong ao nuôi. Hiện nay, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng thuỷ sản là xu thế tất yếu và thiết thực khi trữ lượng cá tạp từ tự nhiên giảm sút đáng kể; bên cạnh đó việc sử dụng thức ăn tươi còn phụ thuộc vào mùa vụ đánh bắt, chất lượng không ổn định, không đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, giá tăng cao đặc biệt là mùa biển động.

Trong nuôi thủy sản thâm canh hiện nay, hầu hết các hộ nuôi gây màu nước để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu, sau đó sử dụng thức ăn công nghiệp. Trong nuôi quảng canh cải tiến, người nuôi có thể sử dụng thức ăn tươi sống, thức ăn tự chế hay bổ sung một phần thức ăn công nghiệp. Hệ thống nuôi quảng canh thì người nuôi gần như dựa hoàn toàn vào thức ăn tự nhiên. Tùy thuộc vào mức độ canh tác và đối tượng nuôi để người nuôi quyết định lựa chọn loại thức ăn cho phù hợp.

 Hạnh Tiên

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia